Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

Tìm Mộ Cụ Trạng

GIẢ THIẾT MỚI
TÌM MỘ CỤ TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
QUA CÁC CÂU SẤM

I. NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN MỘ PHẦN CỤ TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (viết tắt Cụ Trạng) sinh năm Tân Hợi đời vua Lê Thánh Tông, tức năm Hồng Đức thứ 22 (1491) tại làng Trung Am huyện Vĩnh Lại, Hải Dương, nay là làng Trung Am xã Lý Học huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Cụ Trạng mất năm Ất Dậu (1585) hưởng thọ 95 tuổi.
 Trong sự nghiệp vì nước vì dân của mình, Cụ Trạng đã để lại cho các thế hệ mai sau những tác phẩm văn học có giá trị như: Tập thơ Bạch Vân, Trình quốc công Bạch vân thi tập, Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập hay còn gọi là Bạch Vân quốc ngữ thi (với hàng trăm bài thơ chữ Nôm)…. Người còn chủ trương xây chùa tôn thờ các danh nhân, bắc cầu giúp dân…
Nhưng có lẽ nổi tiếng hơn cả là những câu Sấm mà Cụ Trạng đã để lại. Cụ Trạng tinh thông về thuật số, tính theo Thái Ất Thần Kinh, tiên đoán được biến cố lịch sử xảy ra sau 400 năm; lời tiên tri cho hậu thế mà người đời gọi là “Sấm Trạng Trình”. Cụ được nhân dân truyền tụng và suy tôn là “nhà tiên tri” số một của Việt Nam. Nhiều câu Sấm của cụ vẫn chưa có lời giải. Nhiều đời vua, chúa thời đó đã theo lời tiên tri của Cụ Trạng mà tránh được binh đao và mở mang bờ cõi Việt như ngày nay. Trong cuộc đời Cụ Trạng vẫn còn nhiều bí ẩn mà sau khi Cụ mất đến nay vẫn chưa có lời giải. Mộ phần của cụ Trạng đã được nhiều nhà sử học, khoa học, nghiên cứu tâm linh… các thế hệ đi sau luôn mong mỏi kiếm tìm để việc thờ cúng Cụ Trạng theo đúng nghĩa của nó; nhưng đến nay chưa có kết quả. Phải chăng Cụ Trạng không để lại manh mối để tìm mộ phần của mình?          
Lý do để Tôi có ý định đi tìm mộ Cụ Trạng là hoàn toàn do ngẫu nhiên. Trong một lần về quê giỗ Tổ năm 2007 (Tôi thuộc giòng họ Đỗ Trung ở làng Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng), lần đầu tiên Tôi có vinh dự được đến Đền cụ Trạng ở xã Lý học để thắp hương. Tại đây, qua tiểu sử về Cụ Trạng, Tôi cảm thấy tự hào về vùng đất quê hương mình đã sản sinh ra một con người hào kiệt. Tên tuổi của Cụ Trạng đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia, một nước lớn như Trung Quốc thời bấy giờ đã tôn trọng và gọi Cụ Trạng là “An Nam lý số hữu Trình Tuyền”
Năm 2014, do nhân duyên Tôi được một người bạn tên Phạm Thắng quê ở xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đưa về quê chơi. Khi về vùng quê này, Tôi được nghe 03 câu Sấm của Cụ Trạng lưu truyền trong nhân dân:
1. "Bao giờ Tiên Lãng xẻ đôi - Sông Hàn nối lại thì tôi lại về";
2.         “Kinh Lương chùa Đót Còn sót một ngôi
              Huyệt tại Thiên Lôi Anh hùng kế thế”;
3.                       “Táng tại ao Dương”.
Đồng thời, được đi tham quan một số danh thắng trong vùng: khu Mả Nghè nơi có mộ phần của Tiến sỹ Thượng thư Nhữ Văn Lan, cùng phu nhân là Vương Thị Nhuận (ông, bà Ngoại của Cụ Trạng) và con gái là Nhữ Thị Thục (Mẹ của cụ Trạng); mộ Tổ của giòng họ Nhữ; Chùa Đót, Đình Vận; khu vực cánh đồng Thiên Lôi (dân trong vùng đặt tên từ thời xa xưa). Từ đó, Tôi nảy sinh tâm nguyện là đi tìm mộ Cụ Trạng.
Về 03 câu Sấm truyền trên, Tôi chưa có nguồn tư liệu chuẩn để đối chứng có phải là câu Sấm của Cụ Trạng không. Các câu Sấm này được lưu truyền trong nhân dân và được phản ánh qua các phương tiện thông tin đại chúng cho đến ngày nay.
Câu Sấm
 "Bao giờ Tiên Lãng xẻ đôi - Sông Hàn nối lại thì tôi lại về"
Năm 1991, Nhà nước xây dựng cây cầu nối sông Hàn từ quê Vĩnh Bảo của Cụ Trạng sang Tiên Lãng; cũng năm đó, huyện Tiên Lãng có công trình đào kênh thuỷ lợi chia huyện thành 2 phần; sau hơn 400 năm câu Sấm này đã ứng nghiệm. 
Câu Sấm:
            “Kinh Lương chùa Đót Còn sót một ngôi
               Huyệt tại Thiên Lôi Anh hùng kế thế”

          Được đăng trên báo mạng Trí Việt trong bài Về vùng đất địa linh ở Hải Phòng ngày 06/9/2014 của 2 tác giả Sầm Thắng – Phạm Thắng.

 Trong Cuốn Văn Bia Tiên Lãng do PGS.TS Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội cùng các cộng sự đã tiến hành sưu tầm, biên dịch, chú giải vào năm 2008, tấm bia cổ nhất của Tiên Lãng chính là tấm bia ở chùa Đót Hoàng Đồ Củng cố Đót Sơn Tự Di Đà Phật Bi được dựng vào đời Vua Lê Thánh Tông Niên hiệu Hồng Đức thứ 22 vào năm 1491, trong đó ghi nhận Chùa Đót Sơn được xây dựng trong những năm 505-543 ở thời kỳ nước ta chịu sự đô hộ của nhà Lương Trung Quốc. Ngày nay, Chùa Đót Sơn (tên xưa là chùa Non Đông Tự; trong dân gian thường gọi là chùa Đót) nằm ở xã Cấp Tiến Huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp đầu những năm 1950, chùa bị chiến tranh tàn phá chỉ còn lại 01 gian bếp. nhân dân đã sửa chữa lại gian bếp, đưa các đồ thờ cúng còn sót lại của chùa vào để thờ cúng cho đến ngày nay.

Câu Sấm “Táng tại ao Dương”
Được đăng trên trang web Nguyễn Đình Minh (hội viên Hội nhà văn Việt Nam) trích đoạn viết: “Theo những truyền thuyết dân gian mà Ông Lương cao Rính (Hội văn nghệ dân gian Hải Phòng) sưu tầm trên bản gốc hiện được tôi trực tiếp lưu giữ có chuyện kể về những phút cuối đời của Cụ Trạng. Theo đó, vào phút lâm chung cụ Trạng gọi người con cả vào và viết lên lòng bàn tay 4 chữ “Táng tại Ao Dương”. Khi Cụ mất gia đình và học trò theo di huấn mang thi thể Cụ xuống thuyền đưa đi chôn cất tại địa điểm mà Cụ căn dặn. Ngày hôm sau tại Trung Am có tổ chức  lễ viếng Cụ linh đình và quan tài giả được khiêng đi chôn cất công khai. mộ phần này chỉ là mộ phần giả, lâu ngày thiên nhiên bào mòn rồi xóa sạch dấu tích”.
Đến nay (sau 430 năm), mộ của Cụ Trạng vẫn là một bí ẩn; địa danh Ao Dương ở đâu vẫn chưa có lời giải. Theo Tôi, 03 câu Sấm trên chính là những dấu tích Cụ Trạng đã để lại cho thế hệ sau biết cách thức để tìm mộ của mình.
Tôi cũng là người nghiên cứu về Tâm linh theo trường phái Mai Hoa Dịch Số của Cụ Thiệu Khang Tiết, nên cũng mạo muội đưa ra giả thiết của mình về nơi Cụ Trạng đang yên nghỉ, với mong muốn làm sáng tỏ được phần nào về giả thiết của mình về mộ phần của Cụ Trạng.
II. NHỮNG CĂN CỨ ĐỂ XÁC ĐỊNH VỊ TRÍ MỘ CỤ TRẠNG
1. Truyền thống dân tộc.
Dân tộc Việt hàng ngàn đời nay có truyền thống chôn cất người quá cố trong lòng đất (theo Hán Việt gọi là địa táng) để các thế hệ con cháu thờ cúng nhớ về tiên, tổ; khu mộ nổi tiếng nhất nước đó chính là mộ của Vua hùng ở tỉnh Phú Thọ. Do đó, mộ Cụ Trạng cũng không nằm ngoài truyền thống đó. Tôi loại trừ các hình thức an táng khác như hỏa táng, thủy táng của các dân tộc khác.
ông Đỗ Thái Quang

2. Do trình độ uyên thâm về lý học, số học của cụ Trạng.
* Cụ Trạng đã nhìn thấy trước sau khi mình chết sẽ có kẻ phá mộ của mình nên Cụ Trạng đã có những bước chuẩn bị trước cho mộ phần của mình.
          + Trong bài Một ngày trên quê hương Trạng Trình của tác giả Nguyễn Nhã Tiên trên TẠP CHÍ SÔNG HƯƠNG - SỐ 171 t. 5 năm 2009 trích đoạn viết:
Tôi đứng nhìn đền thờ Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm, một ngôi nhà ngói ba gian hai chái. Lịch sử một ngôi đền thờ cũng thăng trầm cung bậc như đời một con người, có khác gì đâu. Lần đầu, đền được xây dựng vào năm Trạng mất (1585). Vua nhà Mạc đã cấp cho làng Trung Am 3000 quan tiền và hàng trăm mẫu ruộng để tạo dựng đền thờ. Đích thân vua đề chữ "Mạc triều Trạng nguyên Tể tướng từ" lên trên biển gắn trước đền. Nhưng rồi "nương dâu bãi bê" bị đổ nát, cho đến thời Lê Trung hưng (1735) dân làng mới dựng lại.
Đến thời Minh Mạng (1833) đền Cụ Trạng lại bị phá. Chuyện phá đền lần này có liên quan đến câu sấm ký của Cụ Trạng lưu truyền lại: "Gia Long nhị đại, Vĩnh Lại vi vương". Nhà vua nghe được, tức giận lệnh cho Nguyễn Công Trứ phá đền (Cụ Nguyễn Công Trứ là một vị quan văn - võ song toàn đã đóng góp nhiều công lao cho đất nước thời đó); việc phá đền thành một giai thoại: khi đền phá ra, Cụ Trứ phát hiện có tấm bia ghi sẵn: "Minh Mạng thập tứ, thằng Trứ phá đền", mặt sau bia lại ghi: "Phá đền ta thì không được dự vào hàng nho sĩ". Đọc xong, Cụ Trứ lạnh toát cả người, bèn tâu vua xin cho được xây đền lại như cũ. Đền được xây dựng trên chính cái nền của Bạch Vân am ngày xưa.
Miếu Chùa Sùng Quang địa điểm có thể nghiên cứu (Bia hậu phật nhà Mạc)
3. Điều kiện, hoàn cảnh thời bấy giờ
* Trong giới tâm linh nhất là những người tài, giỏi như Cụ Trạng thì không bao giờ nói ra nơi cụ thể đặt mộ phần của mình. Thông thường, họ để lại ít nhất 03 địa danh cố định để những ai có nhân duyên hiểu được đúng ý thì mới có thể xác định được vị trí nơi đặt mộ.
* Vị trí mộ phải ở những chỗ ổn định, không bị thay đổi theo thời gian và không ai có thể xâm phạm được.
+ Người Việt có truyền thống thờ cúng thần linh, thờ cúng tổ tiên… đó là những chỗ linh thiêng trong tâm thức người Việt mà rất ít kẻ giám xâm phạm. Cụ thể như đình, đền, miếu…bởi thế, trải qua ngàn năm trên khắp các vùng đất bắc bộ hiện nay còn tồn tại hàng chục ngàn ngôi Đình, đền, miếu…
          - Đền thờ là nơi để thờ cúng một vị thần hoặc một danh nhân quá cố. Nhiều đền thờ dành cho các thần thánh trong tôn giáo hoặc tín ngưỡng địa phương.
- Đình là nơi thờ cúng Thành Hoàng (người có công tạo dựng nên khu dân cư đó) trong dân gian thường gọi là Thánh.
- Miếu cũng là nơi để thờ cúng nhưng nhỏ hơn đền, đình. Miếu thường được xây dựng ở nơi xa làng, yên tĩnh. Đối tượng được thờ ở miếu rất đa dạng, thể hiện ở tên gọi của miếu. Với miếu thì ai có điều kiện cũng có thể tự xây dựng được, chọn địa điểm và thờ cúng đối tượng gì là do người có công xây dựng đặt ra.
+ Về nguyên tắc tâm linh: đình, đền, miếu ở những vị trí đất đẹp, bên dưới không có cốt, trừ trường hợp đặc biệt.
* Thời của Cụ Trạng, trên vùng đất Cụ sinh sống đã có chùa, đình và đền để thờ cúng thần, thánh và được nhân dân rất sùng tín thờ cúng; trong chùa thường có khu đất riêng dành để táng các nhà sư tiền bối (không táng người ngoài); đình và đền là nơi thờ cúng chung của cộng đồng dân cư, nếu có làm gì ở những khu vực đó thì rất nhiều người biết và động chạm đến tâm linh. Do đó, Cụ Trạng không bao giờ chọn những nơi có đất là đền, đình để làm nơi đặt mộ phần của mình.
* Chỉ còn một giả thiết là mộ thật của Cụ Trạng đặt ở những nơi có miếu vì:
+ Thời Cụ Trạng còn sống (thế kỷ 16) vùng đất Vĩnh Bảo, Tiên Lãng bấy giờ là vùng đất ven biển hoang vu, dân cư thưa thớt, chủ yếu dân từ nhiều vùng, miền khác nhau về đây khai hoang lấn biển.
+ Miếu có xây dựng ở vùng này thì cũng không ai biết, đảm bảo được tính bí mật, an toàn; đến khi biết thì cũng chỉ biết là nơi thờ cúng thôi, nhân dân quanh vùng khi có điều kiện ra đây để thờ cúng (trừ những người trong cuộc có mục đích từ trước biết mà không ai nói ra).
+ Nếu lấy miếu làm nơi đặt mộ thì thật tuyệt hảo; theo suy luận của Tôi, ngay từ thời Cụ còn sống, có thể Cụ đã chọn trước vị trí đất phù hợp với mệnh của Cụ (mệnh của Cụ là Khôn thổ), đồng thời cho xây dựng miếu trước; để khi mất những người tâm phúc với Cụ đưa thi hài của cụ vào đó; không làm ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường xung quanh và không sợ người đời quấy nhiễu; đồng thời, nhân dân vẫn đến thắp hương thờ cúng. Do đó, Tôi thiên về giả thiết này.

4. Đi tìm những địa danh để xác định vị trí đặt mộ Cụ Trạng.
Những nhà tâm linh xưa cho rằng có ba yếu tố tác động cuộc sống con người đó là: THIÊN - ĐỊA - NHÂN.
THIÊN là những gì của tự nhiên (thời tiết, khí hậu, các biến đổi khác của trái đất…) mà con người biết và chưa biết, gán ghép cho THIÊN sức mạnh tuyệt đối, vô hình (tên gọi khác là TRỜI); ĐỊA là đất; NHÂN là người. Ba yếu tố này mà hòa hợp thì cuộc sống của con người ở thế giới thực và tâm linh đều tốt. Do đó, từ xưa đến nay những nhà tâm linh và nhiều người bình thường khác đều áp dụng, tuân theo ba yếu tố này đối với người đang sống cũng như những người đã khuất.
Tôi cũng áp dụng 03 yếu tố này để tìm mộ Cụ Trạng.
a) Vị trí thứ nhất (THIÊN).
“Kinh Lương chùa Đót Còn sót một ngôi
Huyệt tại Thiên Lôi Anh hùng kế thế”
Thiên văn học phương đông, từ xa xưa đã biết dùng các ngôi sao trên trời để xác định phương hướng; xem Bắc cực là trung tâm của vũ trụ, là nơi ở của Thần; ở đó có chùm sao Tiểu Hùng, trong đó có Sao Bắc Cực là ngôi sao sáng nhất, đứng yên tương đối duy nhất so với các ngôi sao khác (tên khác là Sao Bắc Thần). Từ đó, các nhà Thiên văn học phương đông qui ước Sao Bắc Cực là hướng chính Bắc và qui định các hướng còn lại như ngày nay (đông, tây, nam, bắc).
Phân tích câu: Kinh Lương chùa Đót còn sót một ngôi
Trong các văn bia cổ của huyện
Trong thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp (năm 1946 - 1954) Chùa Đót ở Kinh Lương bị tàn phá chỉ còn sót lại duy nhất 01 gian bếp; nhân dân đã chuyển đồ thờ cúng còn sót lại vào gian bếp này để thờ cúng từ đó cho đến ngày nay; câu Sấm của Cụ Trạng sau hơn 400 năm đã ứng nghiệm.        
Tượng đài cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm
Theo nghĩa bóng “một ngôi” ở đây theo Tôi hiểu tương ứng với một ngôi sao. Theo quan niệm người xưa, thì Thần ở hướng Bắc. Ở hướng Bắc có một ngôi sao đứng yên nhất trên bầu trời đó là Sao Bắc Cực. Người xưa đã biết dùng ngôi sao này để xác định phương hướng trong đi lại. Ở Việt Nam, chùa là nơi thờ Đức phật Thích Ca Mô Ni, thờ cúng ở chùa được coi là thờ thần. Chùa Đót cũng là một nơi như thế; có nghĩa là vị trí Chùa Đót tương ứng với ngôi Sao Bắc Cực; theo suy luận cá nhân: Vị trí của Chùa Đót chính là mốc ở hướng chính Bắc so với vị trí  khu vực đặt mộ của Cụ Trạng.
b) Vị trí thứ 2 (NHÂN):
Sau khi từ quan, Cụ Trạng  về quê ở ẩn, xây quán Trung Tân ở bến Trung Lệ bên bờ Tuyết Giang, dựng Bạch Vân Am và lấy hiệu Bạch Vân cư sĩ mở trường dạy học, do đó học trò gọi ông là “Tuyết giang Phu tử”. Vị trí Bạch Vân Am xưa thì nay chính là nơi lập đền thờ Cụ Trạng tại xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.
Nhà sử học Ngô Đăng Lợi đã dịch một tài liệu sưu tầm, được cho là bút tích của Cụ Trạng: “Tôi viết biển đề tên Quán Trung Tân. Có người hỏi tôi: Quán tên là Trung Tân có ý nghĩa như thế nào? Tôi trả lời rằng: Trung là đạo trung, giữ được toàn thiện là trung, trái lại thì không phải là trung. Còn Tân là bến để đậu, biết chỗ bến đậu đúng thì là bến chính, nếu đậu sai chỗ là bến mê... Xin ghi vào đá để lưu lại lâu dài. Tháng Mạnh xuân, niên hiệu Quảng Hoà thứ ba (1543) Tiến sĩ cập đệ khoa Ất Mùi (1535) Lại bộ Tả thị lang kiêm Đông các Đại học sĩ Tư chính Khanh Trung Am, Nguyễn Bỉnh Khiêm soạn”.
Cụ Trạng đã gắn bó với Bạch Vân Am cho đến hết cuộc đời của mình. Đây là địa điểm Cụ Trạng đã lựa chọn, thể hiện cái tâm, cái tầm của Cụ. Sau khi Cụ Trạng mất (năm 1585) Vua nhà Mạc ghi nhận công ơn của Cụ Trạng nên đã cấp cho làng Trung Am 3000 quan tiền và hàng trăm mẫu ruộng để tạo dựng đền thờ trên nền đất Bạch Vân Am. Đích thân vua ban chữ đề "Mạc triều Trạng nguyên Tể tướng từ" lên trên biển gắn trước đền.
ông thật xứng đáng với câu đối đã ghi ở đền thờ tại Bạch Vân Am: "Kế tuyệt, phù suy Chư Cát Lượng - Tri lai, tàng vãng Thiệu Nghiên Phu" (Nối được cái  đã đứt, đỡ được cái đã suy như Chư  Cát Lượng - Tìm hiểu việc đã qua, dự đoán việc mai sau như Thiệu Nghiên Phu). 
Bạch Vân Am chính là nơi để Cụ Trạng thể hiện những gì là cái Tôi của Mình. Bạch Vân Am ứng với con người Cụ. Từ những luận điểm này, Tôi lấy vị trí đền thờ Cụ Trạng ngày nay tương ứng với chữ “NHÂN”là mốc thứ 2 để xác định vị trí mộ của Cụ Trạng. Trong giới tâm linh, có nhiều trường phái khác nhau, nhìn nhận thế giới hiện tại dưới nhiều góc độ khác nhau. Do đó, Tôi đưa quan điểm của mình với mong muốn để học hỏi và trao đổi.
 Đền long bì (Đền Bì)
Đền Canh Sơn (Đền Bì)
Là hai địa điểm không thể bỏ qua trong nghiên cứu này
c) Vị trí thứ 3 (ĐỊA).
Phân tích câu: Huyệt tại Thiên Lôi Anh hùng kế thế
Tạm giải nghĩa câu này theo nghĩa đen có nghĩa là mộ ở cánh đồng Thiên Lôi, nếu tìm được mộ sẽ có anh hùng nối tiếp. Tại xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng (ngày nay) có cánh đồng Thiên Lôi, cánh đồng này hay bị sét đánh; dân quanh vùng gọi là cánh đồng Thiên Lôi và không ai biết có tên gọi đó từ bao giờ; vị trí cánh đồng này ở giữa Chùa Đót và Bạch Vân Am xưa (nơi Cụ Trạng ở).
Nếu như mộ của Cụ Trạng ở cánh đồng Thiên Lôi như lời Sấm thì đơn giản quá, không đúng với con người cụ, không đúng với “Thái Ất Thần Kinh”; về tâm linh, không ai chọn chỗ đặt mộ cho mình ở nhưng nơi hay bị sét đánh; trong dân gian có câu “Trời đánh, Thánh vật” để chỉ những người ngỗ nghịch. Do đó, Tôi loại trừ khả năng mộ của Cụ Trạng nằm ở khu vực này. 
Tuy nhiên, theo các nhà tâm linh học từ Thiên Lôi lại mang hàm ý khác. Theo truyền thuyết, Thiên Lôi là một ông quan trên Thiên đình (trên trời) chuyên cai quản về sấm, sét. Thiên Lôi đồng nghĩa với hướng chính Đông (hướng chấn thuộc về Mộc); gắn với một ngôi sao chủ của hướng đông đó là sao Mộc Tinh. Theo Tôi hiểu: Nếu đứng ở cánh đồng Thiên Lôi thì vị trí Huyệt (mộ) của Cụ Trạng nằm về phía Đông của cánh đồng (phía mặt trời mọc). Ở thời của Cụ Trạng, vùng đất phía Đông có tên gọi là Dương Áo. Cánh đồng Thiên Lôi và Dương áo là hai địa danh rộng lớn lại chưa có mốc nào làm chuẩn nên chưa thể xác định rõ rằng tọa độ để làm căn cứ xác định khu vực nghi có mộ Cụ Trạng.
Như phần đầu đã nêu, trước khi Cụ Trạng mất, Cụ đã để lại bốn chữ:
“Táng tại ao Dương”
 Đây là câu rất thực, nhưng cũng là câu rất hư, ai muốn hiểu như thế nào là tùy tâm, thực là Ao Dương, mà hư cũng là Ao Dương. Từ khi Cụ Trạng mất đến nay, chưa ai tìm được  địa danh Ao Dương nằm ở đâu. Theo Tôi nghĩ: Câu này Cụ Trạng đã dùng lối chơi chữ để thế hệ sau theo đó mà tìm vì:
Nếu đọc ngược lại câu của Cụ Trạng thì ta được Dương Ao hay Dương Áo. Ngược dòng thời gian, địa danh Dương Áo có từ thời nhà Trần (thế kỷ thứ XIII); tên một đồn binh ở ven biển do nhà Trần lập nên để bảo về biển, đảo của đất Việt (trước khi Cụ Trạng ra đời); địa danh này tồn tại đến ngày nay và cũng không thay đổi tên gọi (thời Cụ Trạng, Dương Áo nằm ở cực Đông giáp biển). Địa danh Dương Áo nay nằm ở xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.
 

Trước khi mất, Cụ Trạng đã cho biết địa danh cuối cùng Ao Dương đọc lái là Dương Áo (địa danh này để xác định tọa độ khu vực mộ của Cụ Trạng). Qua khảo cứu ở huyện Tiên Lãng, xã Hùng Thắng, thôn Dương Áo có đền thờ Hà Bạc (thờ thần thánh có công dạy dân nghề sông nước). Theo suy luận, từ Ao Dương trong câu Sấm của Cụ Trạng chỉ nơi có liên quan đến nước, phải chăng ý Cụ Trạng muốn ám chỉ đền thờ Hà Bạc chính là vị trí để xác định nhân tố cuối cùng là ĐỊA không? để xác định khu vực mộ của Cụ Trạng theo những câu Sấm truyền.
Sau khi có đủ 3 yếu tố “THIÊN – ĐỊA – NHÂN” đối chiếu trên bản  đồ vệ tinh của WIKIMAPIA.ORG, đánh dấu 3 điểm (chùa Đót –  đền thờ Hà Bạc – Bạch Vân Am) trên bản đồ thì tạo thành một tam giác (hình dưới) thì khu vực trung tâm của  tam giác này là ở khu vực giáp ranh giữa  xã Tiên Minh và xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.
         
Cần có khảo sát kỹ khu vực tâm điểm của tam giác “THIÊN - ĐỊA - NHÂN” để tìm hiểu các ngôi miếu trong khu vực, để từ đó tìm các ngôi miếu thờ ở khu vực này có nguồn gốc, lịch sử trùng với thời kỳ sinh sống của Cụ Trạng. Ngôi miếu nào có cốt (xương) thì nhiều khả năng đó là nơi Cụ Trạng yên nghỉ (vì dưới miếu không có cốt, nếu có thì chỉ có Cụ Trạng mới làm được).
Trong một lần về khảo cứu (tháng 06/2015), Tôi đã đến một ngôi miếu (02 hình dưới) có tên: “NAM THÔN CHI MIẾU” nằm ngay phía sau UBND xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng; qua tìm hiểu được các cụ cao niên trong xóm cho biết: Ngôi miếu này có từ lâu đời (không rõ năm xây dựng), trước năm 1945 là ngôi miếu to ba gian, hai trái, làm bằng gỗ lim; từ 1945 – 1954, do chiến tranh miếu bị tàn phá hoàn toàn; sau năm 1954, có một ông họ Vũ đã bỏ tiền, của dựng lại ngôi miếu như ngày nay (bé hơn ngôi miếu cũ  nhiều); có nhiều ý kiến khác nhau về việc thờ cúng ở ngôi miếu này, nên chưa rõ ngôi miếu này thờ gì.
   
Không rõ có phương tiện gì có thể kiểm tra dưới nền đất của những miếu cần khảo cứu có cốt hay không?
Bài viết này dựa trên những phỏng đoán, những suy luận cá nhân của Tôi. Tôi mong muốn được chia sẻ, trao đổi suy nghĩ của mình đến với những người có tâm nguyện tìm mộ Cụ Trạng; đây mới chỉ là khởi đầu công việc Tôi đang làm, hy vọng sẽ có nhiều người cùng đồng tâm, hiệp lực, chung sức, chung lòng đi tìm mộ Cụ Trạng cho dù công việc này như “mò kim đáy biển” thì Tôi vẫn tiếp tục kiếm tìm.
Chỉ khi tìm được mộ Cụ Trạng thì việc thờ cúng Cụ mới được đúng với ý nghĩa đầy đủ, trọn vẹn đối với với Bậc danh nhân văn hóa, nhà tâm linh số một của Việt Nam “An Nam lý số hữu Trình Tuyền”.
Đỗ Thái Quang – thôn Cổ Am, huyện Vĩnh bảo, TP Hải Phòng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét