Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Thần tích - Thần sắc làng Hộ Tứ xã Đoàn Lập huyện Tiên Lãng thành phố Hải Phòng

THẦN TÍCH – THẦN SẮC
 LÀNG HỘ TỨ NỘI + NGOẠI
Ngọc phả ghi về vị thần ở thời Lê Đại Hành có công âm phù cho vua.
(Ngọc phả ở chi càn, hạng thượng đẳng thần, bản chính lưu tại bộ lễ Quốc triều)

          Xưa nước Việt mở vận, sông núi nằm về địa phận sao Dực sao Chẩn, cương vực Trung Hoa nằm về địa phận sao Đẩu sao Ngưu. Từ triều hùng là Kinh Dương Vương thừa lệnh vua cha phân phong làm tông chủ đế vương ở nước Nam ta, ngài thấy Kinh châu là nơi đẹp nên cho lập Kinh Đô, thấy núi Nghĩa Lĩnh có hình thế vững nên cho lập Miếu Điện, truyền đến đời thứ hai là Lạc Long Quân lấy tiên nữ ở Hồ Động Đình, định cư trên núi Nghĩa Lĩnh, trên đỉnh núi có lành mây ngũ sắc xán lạn rồi mang thai. Mãn hạn sinh một bọc một trăm trứng, nở ra điềm tốt một trăm người con trai, đều anh hùng nổi tiếng ở đời, đức độ hơn người. Khi trưởng thành vua phong hầu, lập phên dậu chia trong nước thành 15 bộ, lúc bấy giờ Lạc Long Quân bảo bà Âu cơ “Ta giống rồng, làng giống tiên, do khí âm dương hợp lại mà có con nhưng môn loại khác nhau, thủy hỏa xung khắc nên không thể chung hợp”. Nhân vì thế mới chia biệt, phân chia 50 người con trai theo cha về biển làm thủy thần, chia nhau cai trị các đầu sông góc biển, năm mươi người con theo mẹ làm sơn thần, chia nhau cai trị các ngả đường trong núi, giữa họ nếu xẩy ra biến cố thì báo nhau đến tương trợ, không được bỏ nhau, suốt thời vua Hùng có sơn thủy bách thần thường hay xuất hiện, biến hóa thần cơ, âm phù giúp nước để che chở cho dân.
          Người đời ssau có làm bài thơ rằng:(Tạm dịch)
          Sơ khai nước Việt từ Kinh Dương
          Một mối non sông mười tám vương.
          Mười tám đời truyền nghìn năm lẻ.
          Vạn năm thờ cúng rạng đèn hương.
Lại nói; vào đời vua Hùng thứ mười tám tương truyền do mạt tạo, ý trời cáo trung, trải đến các triều Đông Hán, Tây Hán, Ngô, Tống, Tề, Lương, Đường, Tùy đến nước Nam ta có bốn họ Đinh, Lê, Lý, Trần kế nhau khai sáng cơ đồ, giữ gìn thể chế đất nước lâu dài.
Trải đến thời Lê Đại Hành, vua tên húy là Hoàn, người đất Ái Châu, làm quan cho nhà Đinh đến chức Thập đạo tướng quân, là người đại lược hùng tài, tư chất như thánh triết, thừa mệnh nhà Đinh, để chí lớn mà được thiên hạ, mở ra vận lớn mà lên ngôi vua. Đương lúc bấy giờ, bọn Hầu Nhân Bảo nhà Tống phối hợp với nước Chiêm thành rắp tâm làm loạn, chỉnh đốn quân ngũ, đem mười vạn quân tinh nhuệ, năm nghìn ngựa tốt, chia làm năm ngả cùng tiến sang xâm lược nước ta. Thư báo quân giặc sang xâm lược tâu lên vua khiến vua rất lo lắng, ngay lập tức vua cho triệu quần thần bách quan đến hội họp bàn kế sách đánh giặc. Các quần thần đều tâu rằng “Uy đức của bệ hạ lẫy lừng khắp bốn biển, lại có binh mã tướng tài, có bách thủy sơn thần thường hay xuất hiện để âm phù thì bệ hạ chẳng phải lo lắng gì, xin bệ hạ lập đàn cầu đảo bách thần âm phù che chở đợi về sau gia phong duệ hiệu. Lại xin bệ hạ cho yết bảng chiêu chiêu binh chọn kẻ sỹ anh hùng, quân Tống, quân Chiêm không quá một ngày  sẽ bị đánh tan”!
Vua nghe lời tâu, rất vui mừng, ngay ngày hôm ấy ban chiếu cho các đạo châu huyện, hễ ai có tài văn võ, anh hùng khả dĩ đánh được giặc thì tập hợp đưa về kinh phù giúp vua sẽ được nhận quan tước. Bấy giờ người trong các đạo đều nghe theo chiếu vua Lê. Văn sĩ vui mừng trổ tài như long xà khoe sắc, tinh đầu lạc giang hàn; võ sĩ bày binh bố trận như hổ báo quay cuồng, hồn kinh phách lạc. Làm chấn động cả một phương trời. Nhân tài trong các đạo đều chiêu mộ hương binh nhiều không kể xiết, ngay lập tức đưa về triều giúp nước.
Khi đó vua mới lược tuyển nhân tài phong làm đại tướng, còn binh sĩ tập hợp thành một cơ đội. Vua mới truyền quần thần và các tướng mổ bò, dê, lợn làm lễ tế cáo trời đất cùng sơn thủy bách thần, khao thưởng quân sĩ. Hôm đó vua ủy quyền cho các tướng lĩnh binh tiến hành tuần phòng các đạo để gây thanh thế, đề phòng quân Tống Chiêm, còn vua cũng thân chinh đánh giặc, đề binh tiếp viện phía sau. Các tướng bái tạ phụng mệnh cầm quân tiến hành tuần phòng các đạo, tướng sĩ đường hoàng ra trận. Vua úy lạo tướng sĩ, đề một bài thơ rằng (tạm dịch);
Ba quân lẫm liệt đến ải quan.
Vạn dặm phong ba vượt chướng ngàn.
Công tựa lông hồng nào kể tính.
Thờ vua một dạ vững tâm can.
Lại nói, hôm ấy vua cử binh hơn một nghìn quân đánh quân Tống, Chiêm quân của vua tiến trên đường cờ bay phần phật, uy danh trấn động vạn dặm; đầu thuyền chiêng trống đánh ầm vang, tiếng động xa nghìn núi. Sau hai ngày đêm tiến đến địa đầu huyện Tiên Minh (Thời xưa gọi là huyện Bình Hà, đến thời Lê trung hưng đổi thành Tân Minh) phủ Nam sách đạo Hải Dương ( thời xưa gọi là Hồng Châu, thường gọi là doanh tây), vua thấy địa thế ở đây bốn phía sông lớn giao nhau chi chít như mắt lưới, liền với phía tây trấn thành , chảy dài quanh co đến đầu huyện Tiên Minh, khởi nguồn từ xã Cẩm khê, tiếp nối rờ rỡ đổ ra biển, vây bọc lấy địa phận bản trang, tạo thành nơi thắng cảnh, sự vật thanh bình. Lúc ấy trời cũng sắp tối, quân Tống, Chiêm sẽ theo đường biển tiến tới đây. Vua mới cho quân hội họp dừng chân tại một ngôi Miếu của làng Hộ Tứ. Ban đêm vua cầu đảo vị thần tại miếu âm phù đánh giặc, đợi sau khi đánh thắng giặc vua sẽ gia phong thượng đẳng thần.
Đến cuối canh ba đêm ấy, vua mông lung ngủ thiếp đi bỗng thấy một ông già khăn áo chỉnh tề, hình dạng cao lớn, tay cầm một thanh kiếm, từ trong miếu đi đến, tự xưng là “Ta là thiên thần, ngự trị linh thiêng tại đây, vâng mệnh thiên đình giáng xuống hạ giới để ngăn họa trừ tai, ngự trị trong cung của Miếu, tên hiệu của ta là đức vua Thiên Chu hoàng đế, trời đất đã an bài, phương ngung đã định, nay thấy ngài đem quân đi đánh Tống Chiêm đóng đồn trú tại đây, cầu đảo ở ta, ta mới hiện lên đánh giặc giúp ngài lập công để sau này hiển vị”.
Ông già nói xong liền biến mất (Hôm ấy là ngày 15 tháng 11) trong chốc lát vua tỉnh dậy biết là vị thần ở đây hiện lên trợ giúp, ngày hôn sau thấy phụ lão nhân dân trang Hộ Tứ ai cũng sợ hãi mới cùng nhau làm lễ bái yết thần ở Miếu. Vua bảo mọi người rằng “Dân trang phụng thờ duệ hiệu vị thần  rất linh ứng hiện lên giúp nước, vậy trẫm nói thế có đúng không” bấy giờ phụ lão nhân dân trong trang Hộ Tứ trả lời rằng “Quả đúng dân trang có thờ vị thiên thần rất linh ứng vậy” Vua mới ban cho dân trong trang hai hốt bạc để dùng vào tế tự thần.
Ngay ngày hôm ấy vua cho hội họp các tướng và quân sĩ, chia thành các đạo tiến thẳng đến đồn trú của quân Tống Chiêm, đánh một trận lớn, quân Tống Chiêm đại bại , truy đuổi chúng đến cửa biển , chém được chánh tướng cũng như phó tướng, cùng mấy nghìn quân của chúng, thu hết khí khí giới và vô số lương thực. Quân Tống Chiêm đại bại chạy tẩu tán khắp lơi.
Từ đó thiên hạ thanh bình, quốc gia vô sự, các tướng dẫn quân trở về triều, vua lấy niên hiệu là Thiên phúc, cho mở yến tiệc ăn mừng, gia phong cho tướng sĩ thứ bậc khác nhau, vua bảo với quần thần rằng ”Quân Tống, Chiêm sớm bị tan cũng là bởi do trợ giúp của thần”. Vua bèn gia phong mĩ tự cho thần để thờ cúng. Sai sứ mang sắc phong  ban thần hiệu cho thần, nguyên chữ thần hiệu phong là:
Thiên chu Hoàng đế, tặng phong là thuận thiên Ứng vũ quảng đại cao minh thượng đẳng thần.
Trải từ đó về sau đều thấy linh ứng hiển hiện nên được đế vương các triều gia phong mĩ tự, chuẩn cho trang Hộ Tứ phụng thờ.
Trải đến đời Trần Thái Tông, giặc nguyên sang sâm lược, kinh thành Thăng Long bị vây hãm, Trần Quốc Tuấn phụng mệnh đi cầu đảo bách thần tại các miếu. Khi đến miếu thờ của thần của bản trang cũng được âm phù hiển ứng. Do vậy khi đánh thắng giặc Ô Mã Nhi, Trần Thái Tông gia phong cho mĩ tự là Linh Quang hộ Quốc bảo an Hiển ứng Đại đế thượng đẳng thần. Ban sắc chuẩn cho trang Hộ Tứ phụng thờ thần.
Trải đến thời vua Lê Thái Tổ khởi nghĩa đánh giặc Liễu Thăng, khi thu phục đất nước, Lê Thái Tổ gia phong mĩ tự cho thần là phổ tế Cương Nghị Anh Linh Hùng kiệt đại đế thượng đẳng thần. Ban cho trang Hộ Tứ trùng tu miếu điện phụng thờ thần, giữ cùng đất nước lâu dài lấy làm lệ thường. Phụng khai các tiết cùng tên húy của thần phải cấm, ghi dưới đây:
- Tiệc cầu chúc mùa xuân: Mồng ba tháng ba, lấy làm lệ chính, lễ dùng trên dùng toàn cỗ chay phẩm quà, bánh chưng ca hát thờ thần trong 3 ngày.
- Tiệc thần hiện: 15 tháng 11 lấy làm lệ chính, lễ dùng trên như ghi ở trên, lễ dùng dưới tùy nghi, có bánh chưng, ca hát thờ thần trong 5 ngày.

Tên húy phải cấm, gồm chữ Chu cho trang Hộ Tứ phụng thờ.
Ngày tốt tháng 1 niên hiệu Hồng Phúc thứ nhất (1572)
Hàn Lâm viện đông các đại học sĩ, bề tôi là Nguyễn Bính phụng mệnh soạn bản chính.
Ngày tốt tháng 8 niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 6 (1740)
Nội các bộ lại sao lại theo bản chính.
Ngày tốt tháng 3 niên hiệu Bảo Đại thứ 13 (1938) triều Nguyễn, toàn dân xã Hộ Tứ sao lại theo bản chính.

THẦN SẮC;
(Đạo thứ nhất)
Sắc ban cho xã Hộ Tứ huyện Tiên Minh Hải Dương chỉ thờ thần hiệu, chưa được dự phong. Nay trẫm nối theo mệnh lớn, mở rộng ân huệ, đặc chuẩn cấp cho thần  làm Thành Hoàng, ban một đạo sắc phong, phong tặng là Bản cảnh thành hoàng linh phù chi thần. Chuẩn cho xã này này phụng thờ như cũ. Hãy che chở cho dân của Trẫm. Vậy nay ban sắc!
Ngày mồng 10 tháng 11 niên hiệu Tự Đức 6 (1853)


(Đạo thứ hai)
Sắc ban cho xã Hộ Tứ huyện Tiên Minh tỉnh Hải Dương trước đây phụng  thờ vị Bản cảnh thành hoàng Linh phù chi thần. Trải các tiết được ban cấp sắc phong, chuẩn cho thờ cúng. Năm Tự Đức thứ 31 (1878), nhân lúc trẫm làm lễ mừng thọ tuổi ngũ tuần bèn ban chiếu báu, mở rộng ân huệ, làm lễ đăng trật, đặc chuẩn cho việc phụng thờ như cũ để hgi nhớ ngày quốc khánh mà kéo dài việc thờ thần. Vậy nay ban sắc!
Ngày 24 tháng 11 niên hiệu Tự  Đức thứ 33 (1880).


(Đạo thứ ba)
Sắc ban cho vị bản cảnh thành hoàng linh phù chi thần: Từ trước đến nay phù giúp nước, che chở dân, linh ứng tỏ rõ, trải các tiết được ban cấp sắc phong, lưu việc thờ cúng. Nay trẫm nối theo mệnh lớn, nghĩ đến công lao của thần, xứng đáng gia tặng là Dực bảo trung hưng chi thần. Chuẩn cho xã Hộ Tứ huyện Tiên Lãng tỉnh Hải Dương phụng thờ như cũ. Thần hãy che chở cho dân của Trẫm. Vậy nay ban sắc!
Ngày mồng 1 tháng 7 niên hiệu Đồng Khánh thứ 2 (1887)


( Đạo thứ tư )
Sắc ban cho xã Hộ Tứ huyện Tiên Lãng tỉnh Kiến An trước đây phụng thờ vị Linh phù Dực bảo trung hưng Bản cảnh thành hoàng Thiên chu chi thần, trải các tiết được ban cấp sắc phong, chuẩn cho thờ cúng. Năm duy tân thứ nhất (1907), nhân đại lễ lên ngôi của trẫm, bèn ban chiếu báu, mở rộng ân huệ, làm lễ đăng trật, đặc chuẩn cho phụng thờ như cũ để ghi nhớ ngày quốc khánh mà kéo dài việc thờ thần. Vậy nay ban sắc!
Ngày 11 tháng 8 niên hiệu duy tân thứ 3 (1909)


(Đạo thứ lăm)
Sắc ban cho xa Hộ Tứ huyện Tiên Lãng tỉnh Kiến An trước đây phụng thờ vị thần, vốn được phong tặng linh phù dự bảo trung hưng Bản cảnh thành hoàng Thiên Chu Tôn thần: Trải các tiết được ban cấp sắc phong, chuẩn cho thờ cúng. Nay trẫm gặp lúc làm lễ mừng thọ tuổi tứ tuần, bèn ban chiếu báu, mở rộng ân huệ, làm lễ đăng trật, gia tặng là đôn ngưng tôn thần. Đặc chuẩn cho phụng thờ như cũ để ghi nhớ ngày quốc khánh mà kéo dài việc thờ thần.Vậy nay ban sắc!
Ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định thứ 9(1924).

Ngày 25 tháng 3 Niên hiệu Khải Định thứ 13 (1938) triều Nguyễn, xã Hộ Tứ phụng mệnh sao Thần tích cùng Thần sắc theo bản chính.
Lý trưởng Phạm Văn Cưu (đóng dấu).
“Viện nghiên cứu Hán Nôm xác nhận:
TS. Nguyễn Hữu Mùi là cán bộ Nghiên cứu của Viện”
                Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2008
        Người dịch: TS. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Mùi.
        Cán bộ Viện nghiên cứu Hán Nôm

THẦN TÍCH THẦN SẮC LÀNG HỘ TỨ (LÀNG HỘ TỨ NỘI + HỘ TỨ NGOẠI) ĐƯỢC SAO LƯU. NGÀY 10 THÁNG 01 NĂM 2014. TẠI UBND XÃ ĐOÀN LẬP.