Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

XÃ ĐOÀN LẬP: Thần tích -Thần sắc làng Tỉnh Lạc xã Đoàn Lập huyệ...

XÃ ĐOÀN LẬP: Thần tích -Thần sắc làng Tỉnh Lạc xã Đoàn Lập huyệ...: THẦN TÍCH XÃ TỈNH LẠC, TỔNG TỬ ĐÔI, HUYỆN TIÊN LÃNG, TỈNH KIẾN AN. Thần phả chép về Tam vị thiên vương triều thời Trưng Vương. Bản ...

Thần tích -Thần sắc làng Tỉnh Lạc xã Đoàn Lập huyện Tiên Lãng thành phố Hải Phòng


THẦN TÍCH
XÃ TỈNH LẠC, TỔNG TỬ ĐÔI, HUYỆN TIÊN LÃNG, TỈNH KIẾN AN.
Thần phả chép về Tam vị thiên vương triều thời Trưng Vương.
Bản dịch Viện Hán Nôm (Ngày 2 tháng 4 năm 2002) -
 Được chép lại (Ngày 11 tháng 6 năm 2014 dương lịch, tại UBND xã Đoàn Lập)
         
          Thủa xưa trời Nam mở vận núi sông chia ngang theo tới sao Dực, sao Chẩn; Bắc quốc thẳng hướng phân sao Đẩu, sao Ngưu, từ hùng triều king dương vương nối nghiệp vua cha được mệnh phong là tông đế của các đế vương nước việt ta. Hoan châu đất đẹp dựng mở kinh đô; Nghia lĩnh núi cao sửa sang miếu mạo, cha truyền con nối giữ nước đời sau rồi tái thế xưng tên là Lạc Long quân lấy nàng tiên nữ con vua Động Đình (Hồ). Buổi ấy, mây tốt năm màu nổi lên trên đỉnh Nghĩa lĩnh sán lạn huy hoàng, nàng Âu Cơ mang thai sinh bọc một trăm trứng, nở được trăm người con trai, đều là bậc anh hùng tuấn tú siêu vượt hơn đời, đức độ không ai bì kịp. Tới lúc trưởng thành, vua cha đặt nước thành 15 bộ phong hầu lập tước chia cho cai quản. Bấy giờ Lạc Long Quân bàn với Âu Cơ: "Ta là giống Rồng, nàng thuộc loài tiên. Chúng ta sở dĩ có con là do khí chất của âm dương ngũ hành hợp lại mà thành. Nhưng vì không cùng đồng loại, thủy hỏa tương khắc, không thể ở chung một chỗ, nên phải tách chúng nó ra" Thế rồi chia lấy 50 người con theo cha xuống biểm làm thủy thần ngự trị các đầu sông góc bể; 50 người con cùng mẹ lên non làm sơn thần cai quản đầu núi ngọn đồi; hễ nghe có việc là tới giúp nhau, không được phế bỏ loại trừ nhau, Cho nên trước sau nhà Hùng có 100 thần ( Bách thần ) sông núi. Thường thường xuất thế đầu thai làm con nơi trần thế để giúp nước cứu dân. Nhà nào có phúc tất được giáng vào.
          Lại nói nhà Hùng truyền ngôi đến đời thứ 18, tức thời Hùng Duệ Vương đóng đô tại Việt trì, bên sông Bạch Hạc. kiến quốc lại thành phong châu, xưng quốc hiệu Văn Lang, Vương sinh hạ 20 hoàng tử nhưng đều nối gót nhau vân du tiên cảnh, vua không có con đẻ nối ngôi, nên mới có câu nói, tới đây là đoạn mạt tạo của nhà Hùng, mà ý trời cũng tới lúc cáo chung. Thế là nước ta từ đấy bị lệ thuộc triều đại Tây Hán. Bấy giờ ở tại trang Sóc Sơn, huyện Kim Hoa, phủ Đa Phúc, đạo Kinh Bắc (thời cổ gọi là quận Vũ Ninh), có một người họ Vương tên húy là Đạo, vợ là Nguyễn Thị Hiển, gia cảnh bần bách thiếu thốn, lấy việc đốn củi làm nghề, hay làm việc thiện lại chuộng việc chẩn giúp người nghèo , cả hai vợ chồng là người đôn hậu suốt đời phúc đức, ngặt một nỗi, tuổi cao mà chưa có con trai nối dõi tông đường khiến ông bà ngày đêm buồn rầu và thường than thở cùng nhau. Vào một đêm tầm cuối canh ba, ông vừa thiêm thếp ngủ đi thì đã mơ màng thấy một ông lão râu tóc bạc phơ, khăn mũ chỉnh tề: Áo vàng đầu đội mũ hoa, tay cầm cây trượng đỏ tới dứng ngay trước đầu giường bảo: Nhà ngươi đức dầy trời đã thấu tỏ sau đây sẽ ban cho nhà ngươi một đứa con trai không nên buồn phiền làm gì" Nói rồi liền đọc một vần thơ:
Thiên đế định ban xuống ba nam.
Ba vị tinh thần ba vị quan.
Lại cùng sinh ra từ một mẹ.
          Qua năm ngọ dậu khoảng bốn năm.
          Ngâm xong thì vụt biến cũng vửa lúc ông tỉnh giấc và ông cũng biết ngay đó là giấc mơ nhưng vẫn nửa tin nửa ngờ sau lại thấy bà vợ Nguyễn Thị kể cho ông nghe về chiêm bao đêm qua rằng: bà thấy ngôi sao băng từ trên trời rơi xuống bụng mình. Nghe rồi ông khẳng định đó là điềm lành. Về sau quả nhiên bà họ Nguyễn có thai, đến ngày 13 tháng 11 năm nhâm Ngọ bà mơ thấy có một dải mây từ không trung sà phủ xuống nóc nhà suốt ba ngày mới tan, lại có ánh áng huy hoàng, gió mát hương thơm ngào ngạt trong phòng, sau đó sinh ra một bọc nở ra 3 người con trai thiên tư thông mẫn, diện mạo khôi ngô khác hẳn muôn vạn người thường, cha mẹ rất yêu các con nhưng không phân biệt được đâu là anh đâu là em. Thế rồi vẫn phải đặt cho mỗi người một cái tên: Con lớn là Hồng công, con thứ hai là Dũng công, con thứ ba là Lược công. Nuôi dưỡng tam công ngày qua tháng lại thoáng đã lên 7 tuổi. Than ôi  sự kiện bất ngờ họa vô đơn chí cha mẹ đều kế nhau qua đời! Đến năm tam công lên 12 tuổi thiên tư cao mại, học lực tinh thông học suốt binh thư, sở trường võ nghệ, mỗi khi cầm cây trường côn thì dũng mãnh sức muôn người không địch. Anh em lừng danh nổi tiếng đương thời Bấy giờ Tô Định làm thái thú quận Giao Chỉ, triệu tam công ra trình diện vua Hán để được phong quan tước, chiêu dụ tam phen tứ phen, tam công vẫn không chịu ra, lại còn trốn lên núi Tản Viên ở đạo Sơn Tây, khi ấy Tô Định đem quân tới xâm lược nước ta, chúng tàn sát nhân dân không người cứu giúp, mãi đến lúc có người cháu gái ngoại vua Hùng tên là trưng trắc, là hào kiệt trong đám quần hoa là bậc thánh thần của thiên hạ, đứng dậy phất cờ nghĩa dấy binh chiến đấu chống giặc ngoại xâm giữa thời nam nhi thao lược vắng bóng thì một mình người phụ nữ ấy tướng soái binh thần phát động cầu viện các quốc gia lân cận. Một hôn Trưng Trắc lập đàn ở cửa sông Hát (Tức xứ Sơn Tây) giết trâu dê mổ lợn mật tế cáo trăm thần sông núi và thánh Tản Viên: “Trời sinh ra một người làm tôn chúa cho muôn loài trong trời đất, chốn sở hệ của sinh linh, nơi quan thiết của cỏ cây, trải bao đời chúa thánh vua thần sáng láng, triều đình hữu đạo, yêu nước thương dân, đức hóa nhân ban, thiên hạ yên bình, nơi nơi vô sự. Thế mà nay dê chó ngoại bang Tô Định điên cuồng bạo lực hung tàn sát hại lê dân...Khiến cho thần nhân trời đất cùng phẫn uất. Thiếp tôi một đứa cháu gái nhỏ xa xủa các vua hùng, nói tới sinh linh khiến Hoang thiên nhỏ lệ. Nay thấu đau lòng xót thương con nhỏ dấy nghĩa từ lan, nguyện xin chư vị trăm thần linh thiêng hội đàn chứng giám lời thề này hãy phù trợ Trưng Nữ đề binh diệt giặc, bảo vệ non sông, cứu giúp nhân dân, phụ hộ thiếp giành lại đất đai xưa cho tổ quốc cứu sinh linh ra khỏi nước sôi lửa bỏng và đưa họ tới chốn an lành ăn ngon ngủ yên. Cơ hồ khỏi phụ lòng trời, đền đáp ân trạch của các bậc tiên vương nơi miếu điện, an ủi vong linh tiên tổ nơi cửu tuyền” Đọc xong lời chú liền hô xuất âm binh thiên hàng vạn đội, lại truyền hịnh tới mọi các quận, châu, đạo, trong cả nước các anh hùng hào kiệt, văn võ song toàn hãy mau chiêu binh tuyển mã, dẫn đưa hương binh nghĩa dũng tới ứng tuyển. Bấy giờ tam công vừa nghe biết lời hiệu triệu của trưng nữ đã kích động đến tam can của các nữ thần trong bốn cõi. Ngay ngày hôn ấy họ yết bảng chiêu binh chưa tới năm ngày mà con số nghĩa binh tụ về lên tới hàng mấy nghìn người. Tam công cũng làm lời tâu lên {Trưng Bà}rằng: “ Anh em nhà tôi có oán thù với Tô Định từ lâu, nay nghe tin tướng bà xuất binh, thì đó là sự sắp bày của trời đất, ngôi thứ đã định, đãcó người làm vua này, thì tất có kẻ làm bề tôi này. Cho nên anh em nhà tôi muốn được gặp nữ vương, tự nguyện đề binh quyết chiến diệt giặc một trận tất sẽ dẹp yên được chúng thôi. Nay anh em tôi xin được ban cấp binh sĩ đi tuần các đạo để gây thanh thế cho quân đội và quan sát địa hình tiến thủ thế nào sau mới quay về hợp binh cùng quyết chiến đánh một trận là dẹp xong được giặc” Nghe lời nói ấy, Trưng Trắc đại mừng chiểu theo sở nguyện phong cho anh em là Đơng lộ chỉ huy sứ Thượng tướng quân, họ trối từ không nhận quan tước mà chỉ xin ban cho quân thủy bộ đàng hoàng quyết ra đi tuần phòng ở hai đạo (Hải Dương và Kinh Bắc). Khi hành quân tới địa phận quận Tiên Minh, đạo Hải Dương thì tầu thuyền quân địch vừa đi tới. Tam công đưa quân tiến về trang Tỉnh Lạc, cho binh sỹ và nhân dân sở tại thiết lập 5 đồn doanh để đối phó từ sau lưng địch. Lúc bấy giờ nhân dân địa phương đều rất lo sợ bèn làm lễ bái yết xin làm thần tử và gia thần cho tam công. Tam công thuận tình cho tuyển lấy 12 tráng đinh ở thôn làm gia thần thủ túc. Bấy giờ đang là lúc bình minh tiết mùa xuân tháng riêng. Tam công quay lại hội với quân của Bà Trưng kết thành đội ngũ mở một trận đại phá giặc. Quân giặc đại bại, quân ta chém được chánh tướng của Tô Định và thu hồi số lượng khí giới lương thực ngựa xe của chúng nhiều vô xiết kể. Sau khi đại phá đồn giặc, trời đất bỗng nhiên tối rầm, bốn bề gió mây mù mịt, trong giây lát trời lại quang mây tán, mọi người trông thấy một đám mây ngũ sắc như cỗ xe tự trên không trung giáng xuống như để nghênh đón ba người, tam công liền cỡi ngựa cùng mây bay lên không trung về phía đỉnh tản sơn mà biến, tức tam công đã hóa( Đó lag ngày 13 tháng 12) tướng sỹ khi ấy ai thấy đều kinh sợ về sự bình dẹp Tô Định tham tàn, lại trả thù cho chồng đòi nợ nước và lấy lại được 65 thành cho giang sơn nước việt của Trưng nữ, Trưng nữ lên ngôi vua mở đại yếnđể khao thưởng tướng sỹ theo thứ bậc cao thấp khác nhau, nhân đấy Trưng Nữ Vương tuyên bố rằng: “Sở dĩ ta dẹp nhanh được giặc Tô Định như thế là bởi lòng trời thương xót giúp đỡ giáng sinh cho nhiều bậc anh tài”, nên mới sái người làm sắc chỉ phong tặng cho Bách thần.
          Sắc phong cho tam vị như sau:
          - Hồng công thiên quang đại vương, tặng phong: Đương cảnh thành hoàng Hùng kiệt dũng quyết tế thế an dân anh linh đại vương.
          - Dũng công thiên quang đại vương, tặng phong: Đương cảnh thành hoàng Hùng kiệt dũng quyết tế thế an dân cảm ứng đại vương.
          - Lược công thiên quang đại vương, tặng phong: Đương cảnh thành hoàng hùng kiệt dũng quyết tế thế an dân hiển ứng đại vương.
          Chuẩn cho trang Tỉnh Lạc nghinh sắc về dân lập miếu để thờ tự các ngài.
          Hãy tuân mệnh ngay.
          Laị nói, từ đó về sau lại luôn hiển hách linh thiêng. Nên đời đời đế vương đều có sắc phong tăng cho tam vị Đại Vương.
          Tới Triều trần Thái Tông, kinh thành bị giặc nguyên vây hãm, Trần quốc Tuấn vâng mệnh vua làm lễ cầu đảo tại đền miếu trăm thần, có qua đền thờ tam vị cũng được ứng nghiệm âm phù nên vua Trần Thái Tông bao phong mỹ tự là Hiển ứng trợ thuận đại Vương.
          Sau thời Lê Thái Tổ khở nghĩa Lam Sơn diệt nhà Hồ bình giặc Minh khôi phục lại giang sơn, Thái tổ bèn gia phong cho Tam vị là phổ tế cương nghị anh linh Đại Vương. Sắc chỉ cho nhân dân trang Tỉnh Lạc trùng tu Miếu điện để phụng thờ các ngài mãi mãi muôn đời vậy thay.
          - Vâng lệnh khai các tiết lễ ngày sing ngày hóa và nghiêm cấm không dùng ba chữ có tên húy của Tam vị: Hồng, Dũng, Lược; lại chuẩn cho dân Tỉnh Lạc phụng thờ các ngài.
          - Chính lệ lễ vào ngày sinh của các thần ( Ngày 13 tháng 11); ở bàn trên dùng cỗ chay, bàn dưới gồm có thịt Lợn đen , xôi thịt, bách viên trắng, ca hát.
          - Chính lệ lễ ngày hoá của các thần (Ngày 13 tháng 12); Cỗ bàn tùy nghi.
          - Chính lệ kì phước xuân thu nhị kì vào ngày rằm tháng hai và tháng tám xướng ca diễn trò tùy ý.

          Ngày tốt tháng 2 mùa xuân năm Hồng Phúc thứ nhất (1527) - Hàn lâm viện đông các đại học sĩ (bề tôi) - Nguyễn Bính vâng soạn.
          Ngày tốt mùa thu năm vĩnh hựu thứ 6 (1740) - Nội các lại bộ tôn theo bản cũ (bề tôi) - Nguyễn Hiền vâng lệnh sao lục.
          Ngày 12 tháng 7 năm khải định thứ 9 (1924) dân xã phụng sao bản tại từ đường Nguyễn tướng công (Bính) Đông các đại học sĩ thuộc xã bằng trù, tổng đồng phú, phủ bĩnh tường, tỉnh vĩnh yên.
( Được chép lại nguyên trạng theo bản dịch của Viện Hán Nôm )

Đoàn lập, ngày 11 tháng 6 năm 2014 - Nguyễn Văn Thịnh






















Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

VONGVANDAI: Lễ đón nhận danh hiệu AHLLVTND xã Đoàn Lập

VONGVANDAI: Lế đón nhận danh hiệu AHLLVTND:   Xã Đoàn Lập cách trung tâm huyện lỵ 3 km về phía Nam. Phía Bắc giáp xã Bạch Đằng; phía Đông giáp xã Tiên Minh, phía Tây liền kề xã Kiến...

Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Thần tích - Thần sắc làng Hộ Tứ xã Đoàn Lập huyện Tiên Lãng thành phố Hải Phòng

THẦN TÍCH – THẦN SẮC
 LÀNG HỘ TỨ NỘI + NGOẠI
Ngọc phả ghi về vị thần ở thời Lê Đại Hành có công âm phù cho vua.
(Ngọc phả ở chi càn, hạng thượng đẳng thần, bản chính lưu tại bộ lễ Quốc triều)

          Xưa nước Việt mở vận, sông núi nằm về địa phận sao Dực sao Chẩn, cương vực Trung Hoa nằm về địa phận sao Đẩu sao Ngưu. Từ triều hùng là Kinh Dương Vương thừa lệnh vua cha phân phong làm tông chủ đế vương ở nước Nam ta, ngài thấy Kinh châu là nơi đẹp nên cho lập Kinh Đô, thấy núi Nghĩa Lĩnh có hình thế vững nên cho lập Miếu Điện, truyền đến đời thứ hai là Lạc Long Quân lấy tiên nữ ở Hồ Động Đình, định cư trên núi Nghĩa Lĩnh, trên đỉnh núi có lành mây ngũ sắc xán lạn rồi mang thai. Mãn hạn sinh một bọc một trăm trứng, nở ra điềm tốt một trăm người con trai, đều anh hùng nổi tiếng ở đời, đức độ hơn người. Khi trưởng thành vua phong hầu, lập phên dậu chia trong nước thành 15 bộ, lúc bấy giờ Lạc Long Quân bảo bà Âu cơ “Ta giống rồng, làng giống tiên, do khí âm dương hợp lại mà có con nhưng môn loại khác nhau, thủy hỏa xung khắc nên không thể chung hợp”. Nhân vì thế mới chia biệt, phân chia 50 người con trai theo cha về biển làm thủy thần, chia nhau cai trị các đầu sông góc biển, năm mươi người con theo mẹ làm sơn thần, chia nhau cai trị các ngả đường trong núi, giữa họ nếu xẩy ra biến cố thì báo nhau đến tương trợ, không được bỏ nhau, suốt thời vua Hùng có sơn thủy bách thần thường hay xuất hiện, biến hóa thần cơ, âm phù giúp nước để che chở cho dân.
          Người đời ssau có làm bài thơ rằng:(Tạm dịch)
          Sơ khai nước Việt từ Kinh Dương
          Một mối non sông mười tám vương.
          Mười tám đời truyền nghìn năm lẻ.
          Vạn năm thờ cúng rạng đèn hương.
Lại nói; vào đời vua Hùng thứ mười tám tương truyền do mạt tạo, ý trời cáo trung, trải đến các triều Đông Hán, Tây Hán, Ngô, Tống, Tề, Lương, Đường, Tùy đến nước Nam ta có bốn họ Đinh, Lê, Lý, Trần kế nhau khai sáng cơ đồ, giữ gìn thể chế đất nước lâu dài.
Trải đến thời Lê Đại Hành, vua tên húy là Hoàn, người đất Ái Châu, làm quan cho nhà Đinh đến chức Thập đạo tướng quân, là người đại lược hùng tài, tư chất như thánh triết, thừa mệnh nhà Đinh, để chí lớn mà được thiên hạ, mở ra vận lớn mà lên ngôi vua. Đương lúc bấy giờ, bọn Hầu Nhân Bảo nhà Tống phối hợp với nước Chiêm thành rắp tâm làm loạn, chỉnh đốn quân ngũ, đem mười vạn quân tinh nhuệ, năm nghìn ngựa tốt, chia làm năm ngả cùng tiến sang xâm lược nước ta. Thư báo quân giặc sang xâm lược tâu lên vua khiến vua rất lo lắng, ngay lập tức vua cho triệu quần thần bách quan đến hội họp bàn kế sách đánh giặc. Các quần thần đều tâu rằng “Uy đức của bệ hạ lẫy lừng khắp bốn biển, lại có binh mã tướng tài, có bách thủy sơn thần thường hay xuất hiện để âm phù thì bệ hạ chẳng phải lo lắng gì, xin bệ hạ lập đàn cầu đảo bách thần âm phù che chở đợi về sau gia phong duệ hiệu. Lại xin bệ hạ cho yết bảng chiêu chiêu binh chọn kẻ sỹ anh hùng, quân Tống, quân Chiêm không quá một ngày  sẽ bị đánh tan”!
Vua nghe lời tâu, rất vui mừng, ngay ngày hôm ấy ban chiếu cho các đạo châu huyện, hễ ai có tài văn võ, anh hùng khả dĩ đánh được giặc thì tập hợp đưa về kinh phù giúp vua sẽ được nhận quan tước. Bấy giờ người trong các đạo đều nghe theo chiếu vua Lê. Văn sĩ vui mừng trổ tài như long xà khoe sắc, tinh đầu lạc giang hàn; võ sĩ bày binh bố trận như hổ báo quay cuồng, hồn kinh phách lạc. Làm chấn động cả một phương trời. Nhân tài trong các đạo đều chiêu mộ hương binh nhiều không kể xiết, ngay lập tức đưa về triều giúp nước.
Khi đó vua mới lược tuyển nhân tài phong làm đại tướng, còn binh sĩ tập hợp thành một cơ đội. Vua mới truyền quần thần và các tướng mổ bò, dê, lợn làm lễ tế cáo trời đất cùng sơn thủy bách thần, khao thưởng quân sĩ. Hôm đó vua ủy quyền cho các tướng lĩnh binh tiến hành tuần phòng các đạo để gây thanh thế, đề phòng quân Tống Chiêm, còn vua cũng thân chinh đánh giặc, đề binh tiếp viện phía sau. Các tướng bái tạ phụng mệnh cầm quân tiến hành tuần phòng các đạo, tướng sĩ đường hoàng ra trận. Vua úy lạo tướng sĩ, đề một bài thơ rằng (tạm dịch);
Ba quân lẫm liệt đến ải quan.
Vạn dặm phong ba vượt chướng ngàn.
Công tựa lông hồng nào kể tính.
Thờ vua một dạ vững tâm can.
Lại nói, hôm ấy vua cử binh hơn một nghìn quân đánh quân Tống, Chiêm quân của vua tiến trên đường cờ bay phần phật, uy danh trấn động vạn dặm; đầu thuyền chiêng trống đánh ầm vang, tiếng động xa nghìn núi. Sau hai ngày đêm tiến đến địa đầu huyện Tiên Minh (Thời xưa gọi là huyện Bình Hà, đến thời Lê trung hưng đổi thành Tân Minh) phủ Nam sách đạo Hải Dương ( thời xưa gọi là Hồng Châu, thường gọi là doanh tây), vua thấy địa thế ở đây bốn phía sông lớn giao nhau chi chít như mắt lưới, liền với phía tây trấn thành , chảy dài quanh co đến đầu huyện Tiên Minh, khởi nguồn từ xã Cẩm khê, tiếp nối rờ rỡ đổ ra biển, vây bọc lấy địa phận bản trang, tạo thành nơi thắng cảnh, sự vật thanh bình. Lúc ấy trời cũng sắp tối, quân Tống, Chiêm sẽ theo đường biển tiến tới đây. Vua mới cho quân hội họp dừng chân tại một ngôi Miếu của làng Hộ Tứ. Ban đêm vua cầu đảo vị thần tại miếu âm phù đánh giặc, đợi sau khi đánh thắng giặc vua sẽ gia phong thượng đẳng thần.
Đến cuối canh ba đêm ấy, vua mông lung ngủ thiếp đi bỗng thấy một ông già khăn áo chỉnh tề, hình dạng cao lớn, tay cầm một thanh kiếm, từ trong miếu đi đến, tự xưng là “Ta là thiên thần, ngự trị linh thiêng tại đây, vâng mệnh thiên đình giáng xuống hạ giới để ngăn họa trừ tai, ngự trị trong cung của Miếu, tên hiệu của ta là đức vua Thiên Chu hoàng đế, trời đất đã an bài, phương ngung đã định, nay thấy ngài đem quân đi đánh Tống Chiêm đóng đồn trú tại đây, cầu đảo ở ta, ta mới hiện lên đánh giặc giúp ngài lập công để sau này hiển vị”.
Ông già nói xong liền biến mất (Hôm ấy là ngày 15 tháng 11) trong chốc lát vua tỉnh dậy biết là vị thần ở đây hiện lên trợ giúp, ngày hôn sau thấy phụ lão nhân dân trang Hộ Tứ ai cũng sợ hãi mới cùng nhau làm lễ bái yết thần ở Miếu. Vua bảo mọi người rằng “Dân trang phụng thờ duệ hiệu vị thần  rất linh ứng hiện lên giúp nước, vậy trẫm nói thế có đúng không” bấy giờ phụ lão nhân dân trong trang Hộ Tứ trả lời rằng “Quả đúng dân trang có thờ vị thiên thần rất linh ứng vậy” Vua mới ban cho dân trong trang hai hốt bạc để dùng vào tế tự thần.
Ngay ngày hôm ấy vua cho hội họp các tướng và quân sĩ, chia thành các đạo tiến thẳng đến đồn trú của quân Tống Chiêm, đánh một trận lớn, quân Tống Chiêm đại bại , truy đuổi chúng đến cửa biển , chém được chánh tướng cũng như phó tướng, cùng mấy nghìn quân của chúng, thu hết khí khí giới và vô số lương thực. Quân Tống Chiêm đại bại chạy tẩu tán khắp lơi.
Từ đó thiên hạ thanh bình, quốc gia vô sự, các tướng dẫn quân trở về triều, vua lấy niên hiệu là Thiên phúc, cho mở yến tiệc ăn mừng, gia phong cho tướng sĩ thứ bậc khác nhau, vua bảo với quần thần rằng ”Quân Tống, Chiêm sớm bị tan cũng là bởi do trợ giúp của thần”. Vua bèn gia phong mĩ tự cho thần để thờ cúng. Sai sứ mang sắc phong  ban thần hiệu cho thần, nguyên chữ thần hiệu phong là:
Thiên chu Hoàng đế, tặng phong là thuận thiên Ứng vũ quảng đại cao minh thượng đẳng thần.
Trải từ đó về sau đều thấy linh ứng hiển hiện nên được đế vương các triều gia phong mĩ tự, chuẩn cho trang Hộ Tứ phụng thờ.
Trải đến đời Trần Thái Tông, giặc nguyên sang sâm lược, kinh thành Thăng Long bị vây hãm, Trần Quốc Tuấn phụng mệnh đi cầu đảo bách thần tại các miếu. Khi đến miếu thờ của thần của bản trang cũng được âm phù hiển ứng. Do vậy khi đánh thắng giặc Ô Mã Nhi, Trần Thái Tông gia phong cho mĩ tự là Linh Quang hộ Quốc bảo an Hiển ứng Đại đế thượng đẳng thần. Ban sắc chuẩn cho trang Hộ Tứ phụng thờ thần.
Trải đến thời vua Lê Thái Tổ khởi nghĩa đánh giặc Liễu Thăng, khi thu phục đất nước, Lê Thái Tổ gia phong mĩ tự cho thần là phổ tế Cương Nghị Anh Linh Hùng kiệt đại đế thượng đẳng thần. Ban cho trang Hộ Tứ trùng tu miếu điện phụng thờ thần, giữ cùng đất nước lâu dài lấy làm lệ thường. Phụng khai các tiết cùng tên húy của thần phải cấm, ghi dưới đây:
- Tiệc cầu chúc mùa xuân: Mồng ba tháng ba, lấy làm lệ chính, lễ dùng trên dùng toàn cỗ chay phẩm quà, bánh chưng ca hát thờ thần trong 3 ngày.
- Tiệc thần hiện: 15 tháng 11 lấy làm lệ chính, lễ dùng trên như ghi ở trên, lễ dùng dưới tùy nghi, có bánh chưng, ca hát thờ thần trong 5 ngày.

Tên húy phải cấm, gồm chữ Chu cho trang Hộ Tứ phụng thờ.
Ngày tốt tháng 1 niên hiệu Hồng Phúc thứ nhất (1572)
Hàn Lâm viện đông các đại học sĩ, bề tôi là Nguyễn Bính phụng mệnh soạn bản chính.
Ngày tốt tháng 8 niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 6 (1740)
Nội các bộ lại sao lại theo bản chính.
Ngày tốt tháng 3 niên hiệu Bảo Đại thứ 13 (1938) triều Nguyễn, toàn dân xã Hộ Tứ sao lại theo bản chính.

THẦN SẮC;
(Đạo thứ nhất)
Sắc ban cho xã Hộ Tứ huyện Tiên Minh Hải Dương chỉ thờ thần hiệu, chưa được dự phong. Nay trẫm nối theo mệnh lớn, mở rộng ân huệ, đặc chuẩn cấp cho thần  làm Thành Hoàng, ban một đạo sắc phong, phong tặng là Bản cảnh thành hoàng linh phù chi thần. Chuẩn cho xã này này phụng thờ như cũ. Hãy che chở cho dân của Trẫm. Vậy nay ban sắc!
Ngày mồng 10 tháng 11 niên hiệu Tự Đức 6 (1853)


(Đạo thứ hai)
Sắc ban cho xã Hộ Tứ huyện Tiên Minh tỉnh Hải Dương trước đây phụng  thờ vị Bản cảnh thành hoàng Linh phù chi thần. Trải các tiết được ban cấp sắc phong, chuẩn cho thờ cúng. Năm Tự Đức thứ 31 (1878), nhân lúc trẫm làm lễ mừng thọ tuổi ngũ tuần bèn ban chiếu báu, mở rộng ân huệ, làm lễ đăng trật, đặc chuẩn cho việc phụng thờ như cũ để hgi nhớ ngày quốc khánh mà kéo dài việc thờ thần. Vậy nay ban sắc!
Ngày 24 tháng 11 niên hiệu Tự  Đức thứ 33 (1880).


(Đạo thứ ba)
Sắc ban cho vị bản cảnh thành hoàng linh phù chi thần: Từ trước đến nay phù giúp nước, che chở dân, linh ứng tỏ rõ, trải các tiết được ban cấp sắc phong, lưu việc thờ cúng. Nay trẫm nối theo mệnh lớn, nghĩ đến công lao của thần, xứng đáng gia tặng là Dực bảo trung hưng chi thần. Chuẩn cho xã Hộ Tứ huyện Tiên Lãng tỉnh Hải Dương phụng thờ như cũ. Thần hãy che chở cho dân của Trẫm. Vậy nay ban sắc!
Ngày mồng 1 tháng 7 niên hiệu Đồng Khánh thứ 2 (1887)


( Đạo thứ tư )
Sắc ban cho xã Hộ Tứ huyện Tiên Lãng tỉnh Kiến An trước đây phụng thờ vị Linh phù Dực bảo trung hưng Bản cảnh thành hoàng Thiên chu chi thần, trải các tiết được ban cấp sắc phong, chuẩn cho thờ cúng. Năm duy tân thứ nhất (1907), nhân đại lễ lên ngôi của trẫm, bèn ban chiếu báu, mở rộng ân huệ, làm lễ đăng trật, đặc chuẩn cho phụng thờ như cũ để ghi nhớ ngày quốc khánh mà kéo dài việc thờ thần. Vậy nay ban sắc!
Ngày 11 tháng 8 niên hiệu duy tân thứ 3 (1909)


(Đạo thứ lăm)
Sắc ban cho xa Hộ Tứ huyện Tiên Lãng tỉnh Kiến An trước đây phụng thờ vị thần, vốn được phong tặng linh phù dự bảo trung hưng Bản cảnh thành hoàng Thiên Chu Tôn thần: Trải các tiết được ban cấp sắc phong, chuẩn cho thờ cúng. Nay trẫm gặp lúc làm lễ mừng thọ tuổi tứ tuần, bèn ban chiếu báu, mở rộng ân huệ, làm lễ đăng trật, gia tặng là đôn ngưng tôn thần. Đặc chuẩn cho phụng thờ như cũ để ghi nhớ ngày quốc khánh mà kéo dài việc thờ thần.Vậy nay ban sắc!
Ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định thứ 9(1924).

Ngày 25 tháng 3 Niên hiệu Khải Định thứ 13 (1938) triều Nguyễn, xã Hộ Tứ phụng mệnh sao Thần tích cùng Thần sắc theo bản chính.
Lý trưởng Phạm Văn Cưu (đóng dấu).
“Viện nghiên cứu Hán Nôm xác nhận:
TS. Nguyễn Hữu Mùi là cán bộ Nghiên cứu của Viện”
                Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2008
        Người dịch: TS. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Mùi.
        Cán bộ Viện nghiên cứu Hán Nôm

THẦN TÍCH THẦN SẮC LÀNG HỘ TỨ (LÀNG HỘ TỨ NỘI + HỘ TỨ NGOẠI) ĐƯỢC SAO LƯU. NGÀY 10 THÁNG 01 NĂM 2014. TẠI UBND XÃ ĐOÀN LẬP.