Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Huyện Tiên Lãng xã Đoàn Lập thôn Tử Đôi - Thần tích thần sắc Đền Long Bì

Huyện Tiên Lãng xã Đoàn Lập thôn Tử Đôi.
"- Long Bì phòng tuyến tiền duyên trận; - Tử Đôi cố địa hậu linh từ"
(Lụt lạo thì tháo Cống Đôi - Nhược bằng hạn hán thì bơi Đầm Bì)

Đền Long Bì
NGỌC PHẢ ĐẠI VƯƠNG CÔNG THẦN VUA
LÊ ĐẠI HÀNH THỜI TIỀN LÊ.
(Bản chính ở quốc triều lễ bộ khảm chi bộ tượng đẳng)

          Xét xưa kia nước Nam mở vận, phân chia non sông theo cương giới sao chẩn sao Dực, đất Bắc phân phong sắp đặt bờ cõi theo khu vực sao Đẩu, sao Ngưu. Khoảng đời Hùng vương, Vua Kinh Dương Vương vâng mệnh phân phong của vua cha, trở thành tiên tổ tông phái của các bậc đế vương nước Việt. Hoan Châu danh thắng, xây dựng kinh đô; Nghĩa lĩnh hình cương, sửa sang miếu điện, truyền ngôi tiếp nối, lại xưng lạc Long Quân, kết duyên cùng  tiên nữ Động Đình, sống trên núi Ngũ Linh, trên đỉnh núi thường có mây ngũ sắc rực rỡ bao phủ. Từ dó bà Âu Cơ có mang. Đến kỳ sinh nở bà sinh một cái bọc có trăm trứng, nở ra trăm người con trai khôi ngô tuấn tú, đều là bậc hiền thánh tài cao, đức độ hơn hẳn người thường. Khi đã trưởng thành, vua cha bèn phong hầu cho trấn giữ các nơi, phân chia nước thành mười lăm bộ, Trước đó Long Quân nói với Âu Cơ rằng: ta là giống rồng, nàng là giống tiên, tuy âm dương tương hợp mà sinh con, nhưng vợ chồng chẳng hợp, thủy hỏa tương khắc, không thể cùng nhau chung sống mãi được. Thế rồi đành chia năm mươi người con theo cha xuống biển làm thủy thần, cai trị nơi đầu nguồn góc biển; năm mươi người con theo mẹ lên núi, làm sơn thần, cai trị chốn đỉnh núi sườn non. Lại hẹn ước với nhau rằng hễ thấy ai có công việc thì đến giúp đỡ, không được bỏ mặc. Vì thế về sau nhà họ Hùng có trăm vị thần sơn thủy thường xuyên ứng hiện, biến hóa thần thông, ngầm giúp đất nước, che chở muôn dân. Nhà nào có phúc sẽ được gặp điềm này.
         
          Lại nói: Họ Hùng được mười tám đời truyền đến vua Duệ vương, đóng đô ở Bạch Hạc Viết Trì, tên nước là Văn Lang Kinh đô ở Phong Châu, nhà vua sinh hạ được hai mươi hoàng nam, đều ham thích thú thần tiên không người nối dõi.
Đến đây nhà Hùng mạt vận, ý trời đã hết.
          Mãi đến khi nước Nam có bốn họ là: Đinh, Lê, Lý, Trần nối tiếp mở mang giường mối, từ đó nước nhà mới được lâu dài. Vậy
          Lại nói: Nước Việt xưa vua Đại Hành nhà tiền Lê tên húy là Hoàn nối tiếp cơ nghiệp nhà Đinh, bên trong tu sửa văn đức bên ngoài phòng bị chốn biên cương. Cho nên trong nước được thái bình.
          Trước thời gian ấy ở thành Thăng Long (Tên cổ là Long Biên). Họ Đào có người con gái tên là Nàng Phương tuổi đã đôi mươi, có dung nhan cá lặn Nhạn sa; có diện mạo như hoa cười nguyệt thẹn, má phấn môi son, nét thu ba mắt phượng mày ngài, mười phần xuân sắc; dường lương duyên chưa định ước nơi nào. Một ngày kia ra tắm ở bến sông Nhị Hà, lúc ấy vào khoảng giờ Thìn thì có một con Thuồng Luồng đến uốn quanh mình, nàng sợ hãi chạy vội về nhà, từ đó nàng có thai, đến ngày mười lăm tháng hai năm nhâm thìn sinh hạ một con  trai, diện mạo khác thường, hình dung tuấn tú, mày nghiêu, mắt vũ, lưng thang, lúc sinh có một đám mây sắc tía ở trên nóc nhà ba ngày sau mới tan.
          Nàng nuôi con ngày lại tháng qua, ba tuổi biết nói sớm, hiểu lễ nghĩa, lại biết kính nhường, nghe người học mà biết, nghe tiếng nói biết xét đoán người nên được yêu quý, đặt tên là Hải, bẩy tuổi đi học, chỉ đọc qua một lượt mà đã nhớ; đến khi mười hai tuổi, tư cách khác người, hiểu thiên văn địa lý, mọi sách vở đều am hiểu, nhiều sĩ tử thời bấy giờ đều thán phục gọi là Thánh Đồng.
          Bà thân mẫu bèn tìm người để cưới vợ cho, nhưng ngài không ưng thuận mà chỉ ham thích đọc sách và đi xem xét những nơi núi sông khe ngòi, thành thị thôn quê đường sá xa gần đều nghi chép cả. Năm ông mười tám tuổi, thân mẫu bị bệnh lâu ngày, thuốc thang không bớt, lễ bái không khỏi, bà đã mất.
          Ngài than khóc mãi. Bèn chọn nơi đất tốt làm lễ an táng, ở nhà hương khói phụng thờ, sau ba năm đoạn tang, Ngài đem tâm dạy dân chúng điều hay lẽ phải.
          Ngày ấy nhà vua có chiếu chỉ cho các châu quận tiến cử những người hiền tài đức độ, văn võ kiêm toàn hoặc giỏi một nghề, biết một việc đều đến dự thi, giao cho quan tước, thủa ấy ở thành Long Biên bèn cử ông đi thi tuyển, lúc được vào bệ kiến nhà vua ông ứng đối lưu loát, có tài văn võ học vấn rộng, ai nấy đều khen ngợi, ông được phong làm Đô chỉ huy sứ, Đại tướng quân. Ông lạy tạ nhà vua nhận quan tước, từ đó được đội ơn mưa móc của nhà vua và báo đáp với tổ tiên.
          Lại nói: Lúc ấy là khoảng niên hiệu Thái Bình, nhà Tống sai Đại tướng là bọn Hầu Nhân Bảo và Nhâm Kỳ đem hai mươi vạn quân thủy bộ sang xâm lấn nứơc ta, thế quân rất lớn, ngoài biên cương đưa thư về cáo cấp nhà vua bèn họp quần thần bàn mưu kế chống giặc Tống; lại cho lập đàn cáo tế trời đất, khao thưởng tướng sĩ chia thành cơ ngũ, phong ông làm Tiết chế đại tướng quân, kiểm quản cả quân thủy bộ, đem quân đi trước tuần ta chặn giữ nơi xung yếu để gây thách thế ba quân và phòng ngừa mọi việc bất trắc.
          Còn nhà vua tuyển chọn tướng tài thân chinh đi sau tiếp viện, ông bái lĩnh quân thủy bộ rầm rộ lên đường, nhà vua bèn làm bài thơ "Ngự chế lao thi" để động viên tướng sĩ;
          "Ba quân lẫm liệt đến trùng quan
          Muôn dặm tinh kì muôn dặm yên
          Công tựa hồng mao khinh sự chết
          Thờ vua một dạ chẳng từ nan"
          Đường bộ cờ bay dài vạn dặm, thủy quân chiêng trống tựa sấm động nghìn non.
          Một hôm quân sĩ đến huyện Tiên Minh phủ Nam Sách trấn Hải Dương (tên cổ là Hông Châu) đóng quân ở nơi huyện sở, hôm sau đến ngôi đền trang Vân Đôi làm lễ bái yết bốn phương, đi quan sát thấy nơi đây là chốn phong thủy hữu tình, thế đất rồng chầu hổ phục, núi không cao, nước không sâu, là một nơi thắng cảnh phong quang vậy.
          Ông bèn truyền ngay lệnh cho dân chúng và quân sỹ dựng ngay một đồn giả để dùng vào việc chống quân Tống, phụ lão và nhân dân rất lo sợ đều muốn xin làm gia thần, ông bằng lòng cho chọn lấy những người mạnh khỏe ở trong trang, trọn được hơn hai mươi người làm gia thần thủy thủ. Ngày hôm sau đã thấy sứ thần mang chiếu thư đến sai ông đem quân đi đánh giặc. Ông vâng mệnh ra đánh quân Tống, một trận đầu chúng bị thua to, chém được chánh tướng, bắt được khí giới ngựa xe nhiều vô kể lại bắt sống được bọn Hầu Nhân Bảo và Triệu Phụng Huân, đem quân khải hoàn về Kinh Sư, nhà vua cho mở hội lớn mừng công, gia phong cho tướng sỹ, người người đều được khen thưởng, ban cho ông thực ấp ở trấn Hải Dương, ông lạy tạ trở về nơi thực ấp ở Hải Dương. Nhân khi thong thả ông trở về chơi nơi sở đồn cũ ở trang Tử Đôi thăm hỏi dân tình, biết dân được yên vui. Lúc ấy phụ lão, dân chúng cũng như gia thần ở trang Tử Đôi đều thưa rằng; từ khi ông lập doanh đồn ở làng chúng dân hình phạt công minh, giảm nhẹ, dân được no đủ, hiểu biết lễ nghĩa do công đức của ông.
          Nhân đây được xin rằng: Bây giờ là đồn sở sau này được làm nơi thờ cúng, ông bằng lòng, truyền bày yến tiệc mời phụ lão nhân dân và gia thần cùng dự, lại ban năm hốt vàng mười, để ngày sau tu bổ nơi thờ cúng; và làm tờ chúc từ để lại. Ông vừa nói xong bỗng thấy đất trời tối tăm mịt mù mưa to gió lớn lại có một đám mây sắc tía từ trên trời sa xuống, trông giống chiếc xa giá đến rước đi, vụt thấy ông cỡi mây bay đến sông Nhị Hà, trong phút chốc trời lại quang đãng, nhưng sóng trên mặt sông rất là dữ dội, cá, rắn, rùa, thuồng luồng xuất hiện đón rước ông đi, không biết đi đâu "Ông đã hóa, hôm ấy là ngày mười lăm tháng mười một" .
          Thời gian ấy nhân dân, gia thần và quân sĩ rất sợ hãi, bèn dâng biểu về triều, nhà vua bèn sai làm lễ để tế ông và sắc phong làm tôn thần Bạt Hải Long Vương Đại vương tặng phong duệ trí thiện văn tá tỵ quang hoa thắng toán hộ quốc bảo dân thượng đẳng thần, chuẩn y cho trang Tử Đôi rước đệ hiệu nói trên về lập đền thờ.
          Lại nói: từ đó về sau rất là linh ứng nên nhiều đời vua ban sắc gia phong cho đức Đại vương.
          Đến đời vua Trần Thái Tông, giặc Nguyên sang cướp nước ta. Kinh đô bị vây hãm đức Trần Quốc Tuấn vâng mệnh vua đi cầu đảo các bách thần ở các Đình miếu đều rất hiển ứng, được âm phù nên vua Thái Tông bèn bao phong mỹ tự là; Nhất vị hộ quốc bảo dân linh ứng đại vương.
          Vua Lê Thái Tổ khởi nghĩa binh; binh được tướng Liễu Thăng nhà Minh thu được thiên hạ, nhà vua phong mỹ tự là; Nhất vị phổ tế cương nghị anh linh đại vương và ban sắc chỉ cho trang Tử Đôi tu sửa Miếu điện thờ phụng được vẻ vang vậy.
          Một điều phải vâng theo: Ngày thần sinh, ngày thần hóa và xuân thu, các ngày tiệc đó cùng với chữ húy là Hải đều cấm dùng.
          Chuẩn y cho trang Tử Đôi thờ phụng thần sinh vào ngày mười lăm tháng hai, chính lệ lễ dùng, ban trên lễ chay, ban dưới có trâu, lợn, ca hát và các trò chơi khác.
          Thần hóa ngày mười lăm tháng mười một là chính; Dùng lễ vật như trên, cấm mọi trò ca hát.
          Lệ chính lễ cầu phúc mùa xuân, mùa thu vào mười lăm tháng hai, tháng tám lễ vật dùng tùy nghi, ngày lành tháng giêng năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) Đông các đại học sĩ hàn lâm lễ viện thần Nguyễn Bính kính gửi:
          Ngày lành tháng tám năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740) nội các thần ở bộ lại kính cẩn sao lại theo bản cũ.

Người dịch: Nguyễn Thị Trang - Cán bộ viện nghiên cứu Hán Nôm
{Được sao chép lại ngày 18 thàng 12 năm 2013 - xã Đoàn lập}


THẦN SẮC
          Phiên âm:
          Sắc Kiến An tỉnh Tiên Lãng huyện Tử Đôi xã tòng tiền phụng sự nguyên tặng dực bảo trung hưng linh phù đương cảnh thành hoàng hộ quốc bảo dân Bạt Hải long vương tôn thần, hộ quốc tý dân nẫm trứ linh ứng tiết mông.
          Ban cấp sắc phong, chuẩn hứa phụng sự tứ kim trinh trực Trẫm tứ tuần đại khánh tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân lễ long đăng trật, trứ gia ..ng hoằng hợp thượng đẳng thần, đặc chuẩn phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai!

          Dịch nghĩa;
          Sắc Kiến An tỉnh huyện Tiên Lãng, xã Tử Đôi từ trước tới nay được thờ thần được tặng là Dực bảo trung hưng linh phù đương cảnh thành hoàng Bạt Hải long vương tôn thần.
          Thần đã có công bảo hộ đất nước, che chở cho dân rất nhiều linh ứng, vào các dịp khánh tiết, thần từng được ban cấp sắc phong, chuẩn cho dân làng được phép thờ cúng, đến nay đúng vào dịp lễ lớn mừng Trẫm vừa tròn 10 tuổi từng ban chiếu ban gia ơn sâu, theo lễ cơ sự tặng thưởng thần xứng đáng được gia tặng làm hoàng hợp thượng đẳng thần, đặc chuẩn cho nhân dân địa phương phụng thờ để ghi phúc nước và làm rạng rỡ điển lễ thờ cúng. Kính thay!

Niên hiệu Khải Định thứ 9 tháng 7 ngày 25.















1 nhận xét: