Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Vùng đất Tổng Tử Đôi


Vùng đất Tổng Tử Đôi
Đoàn Lập - Tiên lãng - Hải Phòng

Đoàn Lập, Ngày 01 tháng 01 năm 2009.

        Tử Đôi là một tổng trong 30 tổng của huyện Tiên Lãng xưa, nằm phía Nam Huyện cách trung tâm thành phố 25 Km về hướng Nam. Tổng Tử Đôi bao gồm các thôn:
Xuân Lai, Xuân Quang, Xuân Hòa (Nay thuộc xã Bạch Đằng) và các thôn - Nhân Vực, Hộ Tứ Nội, Hộ Tứ Ngoại, Đông Xuyên Nội, Vân Đôi, Tử Đôi, Tiên Đôi Nội, Tỉnh Lạc, Đông Xuyên Ngoại (thuộc Đoàn Lập).Phía đông giáp Tiên Minh và Quang Phục, phía Tây giáp Cấp Tiến và Kiến Thiết, phia Bắc giáp Phác Xuyên thuộc Tổng Phú Kê, Phía Nam giáp Huyện Vĩnh Bảo qua  sông Thái Bình.
          Tử đôi gồm  12 thôn làng được tích tụ bởi hai con sông Thái Bình và sông Văn úc. Tổng Tử Đôi xưa có hệ thống kênh mương chằng chịt bên cạnh những đần Hồ tự nhiên. Từ Tổng Tử Đôi có thể xuôi sông Thái Bình chừng 8 Km là ra được cửa Thái Bình.
          Sông Thái Bình Tục gọi là sông Lâu Khê là một trong con sông lớn ở Miền Bắc. Trong lịch sử sông Thái Bình đã đổi dòng nhiều lần và mở rộng huyện Tiên Lãng.
          Về địa hình Tổng Tử Đôi mang hai dạng - Một là dạng địa hình vụng biển, dạng thứ hai là: Cồn cát cao , nằm  về phía Nam của huyện lỵ có hướng kéo dài theo phương Đông Bắc Tây Nam - Hai là: dạng địa hình có có nguồn gốc sông hiện nay. Tổng Tử Đôi một phần lớn đất đai, Đầm, Hồ, là dấu tích của dòng sông cổ. Đầm Vòng, Đầm Nhân Vực  hiện nay là dấu tích của một đoạn sông cổ đã chết do sự thay đổi dòng chy, Đầm  Vòng rộng 90ha, Đầm Nhân Vực rộng 100ha.
          Vị trí có tác động rất lớn đến đặc điểm tự nhiên, con người tổng tử đôi, nó đã góp phần tạo nên những nét riêng của tổng so với nhiều làng quê khác .
          I/ Tổng Tử Đôi qua các thời kì lịch sử:
          Tổng Tử Đôi xưa thuộc huyện Tiên Minh, Tên Tử Đôi xuất hiện từ bao giờ thì chưa chính xác chỉ biết rằng vào đầu thế kỉ XIX, theo sách ghi tên làng xã đầu tiên thế kỉ XIX đã có tên Tổng Tử Đôi thuộc huyện Tiên Minh, Phủ Nam Sách , Trấn Hải Dương ( Huyện Tiên Minh với Thanh Hà trước kia là một gọi là Bình Hà - Thời Lê tách thành Thanh Hà và Tân Minh nhưng do kiêng tên húy Lê Kính Tông lên gọi Tiên Minh ) - Như vậy tên Tiên Minh có từ thời Lê Kính Tông. Theo dư địa chí của Nguyễn Trãi thì Tiên Minh có 92 xã 12 trang.
          Thời Gia Long phủ Nam Sách lệ vào trấn Hải Dương, Tử Đôi lúc này chính thức xuất hiện với tư cách là Tổng Tử Đôi thuộc huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, xứ Hải Dương: Tổng Tử Đôi có 10 xã thôn đó là: Tử đôi, Ngạc Tứ, thôn Nội, Ngoại ( xã Tiên Đôi ), Nhân Vực, Tỉnh Lạc, Xuân Lai, Đông Xuyên, Vân Đôi, Xuân Quang.
          Năm Minh Mạng 12(1832) Tổng Tử Đôi thuộc huyện Tiên minh, Phủ Nam Sách, Tỉnh Hải Dương.
          Sang Thành Thái (1889 - 1907) Vì kiêng húy, nên huyện Tiên Minh lại được đổi thành Tiên Lãng.
          Thời Pháp thuộc Tổng Tử Đôi, phủ Nam Sách, tỉnh Kiến An.
          31/1/1898 Tổng Tử Đôi thuộc phủ Nam Sách tỉnh Hải Phòng.
          Năm 1902 tỉnh Hải Phòng đổi tên thành tỉnh Phù Liễn. Tổng Tử Đôi thuộc phủ Nam Sách, tỉnh Phù Liễn.
          Năm 1906 Phù Liễn đổi thành Kiến An .tổng Tử Đôi thuộc phủ Nam Sách tỉnh Kiến An.
          Đầu thế kỉ XX tổng Tử Đôi gồm 11 xã : Tử Đôi , Vân đôi, Tỉnh Lạc, Đông Xuyên (hai thôn Nội và Ngoại), Tiên Đôi Nội, Tiên Đôi Ngoại, Xuân Lai, Xuân Hòa, Xuân Quang, Hộ Tứ (hai thôn Nội và Ngoại) , Nhân Vực.
          Sau năm 1945 tổng Tử đôi được tách làm hai. các xã Xuân Lai, Xuân Hòa, Xuân Quang chuyển thành thôn để cùng thôn Phác Xuyên (trước thuộc tổng Phú Kê) lập nên xã Bạch Đằng, các xã còn lại của tổng Tử Đôi cũ gồm: Nhân Vực, Hộ Tứ Nội, Hộ Tứ Ngoại, Đông Xuyên Nội, Tiên đôi Nội, Vân Đôi, Tiên Đôi Ngoại , Tử Đôi, Tỉnh Lạc, Đông Xuyên Ngoại được chuyển thành các thôn thuộc xã Đoàn Lập, tỉnh Kiến An.
          Ngày 20/10/1962 Hải Phòng Kiến An hợp nhất lấy tên là thành phố Hải Phòng. Từ dó đến nay Đoàn Lập thuộc huyện Tiên Lãng thành phố Hải Phòng.
          II/ Quá trình hình thành và phát triển làng xã :
          1. Làng Đông Xuyên:
          Làng đông Xuyên không có tên Nôm, tự là Đông Xuyên làng có hai thôn Nội và Ngoại, thôn Nội giáp phía Bắc Đầm Vòng (tư liệu bi kí gọi là Vọng Đầm) Phía Tây giáp thôn Hộ Tứ, Phía Nam giáp Đầm Cửa, Đông giáp thôn Tiên đôi Nội, Thôn Ngoại phía Bắc giáp Tử Đôi, phía Nam giáp sông Thái Bình, phía Tây giáp Đầm Bì, Đông giáp thôn Tỉnh Lạc.
          Đông Xuyên Nội có hai họ lớn là Đào và Vũ , khoảng 400 - 500 năm đã có người về đây lập nghiệp theo phú ý dòng họ Đào và nhà thờ tổ ở Đông Xuyên Ngoại phú ý được khắc trên gỗ tốt được lập vào thời Tam Thập Tam Niên và thời Tự Đức tam thập tam niên cả hai phú ý này đều được chép đến ông tổ đời thứ 11.
          Theo các cụ cao niên trong làng thì xưa có ông lão ở làng đông Xuyên Nội do hoàn cảnh đã đến ven sông Thái Bình dựng lều chăn vịt sau lấy vợ sinh con đẻ cái lập nên làng xóm, ban đầu chỉ có gia đình ông, sau dân chài lưới tụ tập về đây sinh cơ do vậy làng xóm được mở rộng  - Để lưu giữ nguồn gốc xuất sứ ông đặt tên làng là Đông Xuyên Ngoại ( Nay có nhà thờ tổ họ Vũ ở gia đình ông Hiểu và Vinh)
          2. Làng Tiên Đôi:
          Tiên Đôi không có tên Nôm, tự là Tiên Đôi, cũng như các làng khác, Tiên Đôi trước kia có hai thôn Nội và Ngoại, cho đến đời vua Đồng Khánh (1886 - 1888) hai thôn mới tách làm hai xã Tiên Đôi Nội và Tiên Đôi Ngoại.
          - Tiên Đôi Nội phía Bắc giáp Đầm Vòng, phía Tây giáp Đông Xuyên Nội, phía Đông giáp Vân Đôi, phía Nam giáp Đầm Cửa, qua thư tịch cổ, thần sắc rhần phả, bia đá sắc phong, gia phả có thể đại khái sự hình thành của làng. Làng có một ngôi Miếu cổ tọa lạc trên vùng đất cao trên 2m thờ thành hoàng Trí Minh (nhân thần) và một bản thần tích do Viện hàn lâm lễ bộ đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Hồng phúc nguyên niên (1572). Nội dung bản thần tích như sau: Xưa ở trang Kim Sá, huyện Siêu Loai, phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc ( Xưa gọi là quận Vũ Ninh ) có ông Nguyễn Húy Hiển lấy vợ là bà Vương Thị người Bách Quận. Hai vợ chồng làm lụng vất vả nhưng hiểm một nỗi tuổi đã cao mà chưa có con. Vào một đêm bà Vương Thị nằm mơ thấy mình nuốt một ngôi sao. Từ đó Vương Thị có thai rồi sinh hạ được một người con trai, thiên tư đĩnh đạc trông rất lạ thường và đặt tên là Minh. Khi ấy 16 tuổi họa vô đơn trí, cha mẹ ông đều qua đời, vốn là người giỏi võ nghệ thông binh thư , ông đi nhàn du Sơn thủy, đi đến khu Tiên Đôi Nội huyện Tân Minh (Xưa gọi là Bình Hà đến đời hậu lê đổi thành Tiên Minh ) phủ Nam sách đạo Hải Dương ( Xưa gọi là Hồng Châu) Thấy có địa thế đẹp, dân phong thật quê mùa, ông liền lập trường dạy dân biết chữ. Mới được mấy năm Tô Định làm Thái thú Giao Châu tàn ngược, hưởng ứng lời hịch của hai Bà Trưng Nguyễn Minh đã chiêu mộ nhân dân trong vùng đánh đuổi giặc hán chẳng bao lâu 65 thành trì được thu phục. Ông được ban thực ấp nhậm sở ở Hải Dương. Để tưởng nhớ công ơn nhân dân làng Tiên Đôi Nội đã lập miếu thờ ông tại quê nhà, gọi là Miếu Tiên Đôi Nội - "Giếng Tiên Đôi vừa trong vừa mát" - "Đường Tiên Đôi nát gạch rễ đi" (Giếng Có tên là giếng Ngái - trước cửa Miếu ) - Qua câu chuyện trên có thể cho thấy tên làng có tên khá sớm vào đầu thế kỉ XV, cùng có mặt của hai dòng họ Nguyễn, Phạm đến đây lập làng.
          3. Tiên Đôi Ngoại: Phía Đông giap Tỉnh Lạc, phía Tây giáp Tử Đôi, phía Bắc giáp Đầm, đồng Rừng, đồng Cánh các dòng họ về đây sinh sống khá sớm bao gồm các dòng họ Phạm, Đinh, Hà, Nguyễn. Làng có Đình thờ thành hoàng làng là Công Tĩnh Lang và Công Tĩnh Lai ..............
          4. Làng Tử Đôi:
          Vị trí nằm ở gần cuối tổng Tử Đôi tính từ huyện xuống nhưng lại gần sôngThái Bình, Tử Đôi phía Nam giáp sông Thái Bình, phía Tây Nam giáp Đông Xuyên Ngọai, phía Đông giáp Tỉnh Lạc, phía Đông Bắc giáp Tiên Đôi Ngoại và Vân Đôi, phía Tây ăn ra Đầm Bì (Đại Đầm) Làng không thấy có tên Nôm tự là Tử Đôi. Tên Tử Đôi có nhiều cách lý giải khác nhau, Tử Đôi có nghĩa là chết đôi - cách lí giải này được gắn liền với một câu chuyện; Xưa nơi đây có một ngôi đất linh ứng đỏ thắm, nhưng nhân dân làm ăn không thịnh đạt vì hàng năm bị nạn hồng thủy đe dọa gây ra vỡ đê không có cách nào đắp được. Sau nhân dân lập Đền thờ ở trên Đê, cúng ông Hà Bá, có mời nhà trò về hát xướng rồi đẩy hai người xuống sông. Từ đó đê vỡ mới đắp được cũng từ đó tên làng có tên Tử Đôi. Cách lí giải khác; Tử có nghĩa là Sắc tía, Đôi có nghĩa là đống gò (Tử Đôi nơi đống cao có sắc tía).
          Theo truyền thuyết Tử Đôi được hình thành vào thời nhà Trần; Có ông Trần Doãn Thích là một vị tướng của Trần Hưng Đạo. Vào lúc đó để đối phó với quân giặc ông được lệnh dời đến cửa sông Thái Bình trấn thủ, khi đi qua vùng đất Tử Đôi thấy có địa thế thích hợp đã quyết định lập dinh đồn tại đây. Sau này ông trở thành ông tổ dòng họ Trần về trang Tử Đôi khai cơ lập nghiệp. Tuy nhiên đây mới chỉ là tư liệu truyền miệng cần xác minh lại.
          Điều đáng nói ở đây Tử Đôi được hình thành ít nhất là 400 năm, theo tài liệu gia phả họ Trần Tổ dòng họ về đây sinh cơ lập nghiệp đã được trên 15 đời. Trong làng có hai dòng họ, họ Trần và họ Nguyễn trong tài liệu bi kí ở Đình Làng có tên "Hậu thần bi kí tôn tạo miếu đường lưu truyền vạn đại". niên hiệu chính hòa thứ 17 ( 1696 ) có nhắc đến hai vị tổ hai dòng họ Nguyễn Thế Kiệm và Trần Đức Tiến cùng gia quyến mua hậu thần. Tử Đôi ở vị trí trung tâm của Tổng.
          III/  tín ngưỡng dân gian truyền thống:
          1. Tục thờ thần:
          Tục thờ thần là một tín ngưỡng dân gian truyền thống lâu đời của cư dân Việt, các làng xã ở tổng Tử Đôi cũng như bất cứ làng việt cổ truyền khác đều có tục thờ thần. Thần dược thờ ở Đình làng, Miếu, Đền...
          a. Tín ngưỡng thờ thành hoàng làng:
          Trước đây các làng ở tổng Tử Đôi có ít nhất một ngôi Đình, trải qua biến động của lịch sử và thời gian hiện nay các Đình không còn nữa, chỉ còn lại;
          - Đình Hộ Tứ Nội được xây mới (Trường bổ túc cũ từ những năm 80 để lại)
          - Đình Hộ Tứ Ngoại sử dụng nền Đình cũ của làng ( Ngạc Tứ khi chưa tách Làng Nội và làng Ngoại như hiện nay - Trong kháng chiến Đình được tiêu thổ kháng chiến sau đó xây dựng làm trường tiểu học, nay làng sử dụng trường đó làm Đình)
           - Đình Đông Xuyên Nội chỉ còn lại nền móng - Nay làng dùng làm kho.
          - Đình Tiên Đôi Nội bị đốt cháy trong chống Pháp, nay đã xây nhà văn hóa xã.
          - Đình Vân Đôi đã dỡ bỏ những năm 80 (Nghị định bài trừ mê tín dị đoan).
          - Đình Tiên Đôi Ngoại Xóm Chợ được xây dựng mới trên nền Đình cũ.
          - Đình Tỉnh Lạc cũng dược nhân dân xây dựng lại trên nền Đình cũ.
          - Đình Tử Đôi còn nguyên vẹn.
Danh sách các vị thành hoàng làng ở Đoàn Lập (được tách từ tổng Tử Đôi cũ)

Stt
Tên làng
Tên vị thần
thiên thần/nhân thần
1
Nhân Vực
Cao Sơn
Nhân thần
2
Hộ Tứ
Thiên Chu
Thiên Thần
3
Đông Xuyên Nội
Đống Mộc
Nhân Thần
4
Tiên Đôi Nội
Trí Minh
Nhân Thần
5
Tiên Đôi Ngoại
Đống San và Đống Lai(Công Tĩnh Lang và Công Tĩnh Lai)
2 Thiên Thần
6
Vân Đôi
Kinh Sơn, Trí Minh
2 Thiên Thần
7
Tử Đôi
Đại Đồng, Bạt Hải, Vệ Đàn
2 Thiên Thần
8
Tỉnh Lạc
Hồng Công, Dũng Công, Lược Công, Bạt Hải
4 Thiên Thần
          Đình làng ngoài chức năng là nơi các làng tổ chức lễ tế vào các dịp lễ tết trong năm, tổ chức hội làng rước giao hiếu, còn là nơi dân làng hội họp khi có việc chung, nơi đây trở thành trung tâm văn hóa của cả làng được đặc biệt quan tâm trùng tu bảo vệ, trước kia Đình làng được giành riêng cho các hạng quan viên chức sắc trong làng, cũng là nơi phân định vai vế, thế thứ một cách rõ ràng, Đình làng thực sự trở thành nơi diễn ra các hoạt động chủ yếu của làng xã trước đây: Hành chính- Kinh tế- văn hóa - xã hội.
          b. Các tín ngưỡng thờ thần khác:
          -  Miếu làng Tiên Đôi Nội :
          Miếu thờ thành hoàng làng Trí Minh tôn thần. Đây là một ngôi Miếu cổ được trùng tu vào năm Khải Định Tân Dậu 1921 Kiến trúc của Miếu mang đậm kiến trúc thế kỉ XX được bố trí theo kiểu chữ Đinh gồm ba gian tiền đường và hai gian hậu cung  trong miếu còn lưu giữ nhiều hiện vật quí, trong đó có một bát hương gốm mang đậm phong cách nghệ thuật thời Mạc 1527-1592 do ông nghè Nguyễn Khắc Cần và phu nhân là Nguyễn Thị Ngọc Trân cùng Hiển quận công Nguyễn Tử Hầm và phu nhân là Trang Thị Ngọc Vân cung tiến, tên tuổi của các vị còn lưu giữ được trên bát hương, lưu truyền cho hậu thế, bên cạnh đó là các sắc phong thần vào các triều Tự Đức 33(1880), Đồng Khánh(18887),Duy Tân 3(1909), Khải Định 9(1924) cùng một bản tích do dân bản xã sao lại năm bảo đại 13(19338).
          - Đền Kinh Sơn: (Đền Bì trên)
          Đền Kinh Sơn ở thôn Vân Đôi, Đền Kinh Sơn là một trong 5 ngôi đền thiêng của hàng huyện xưa - "Ngũ Linh Từ" . Hễ gặp phải năm hạn hán, đền là nơi tổ chức lễ hội cầu đảo nổi tiến linh ứng, hiện nay Đền kinh Sơn có kiến trúc đá lộ thiên rất độc đáo, việc  xác định chính xác thần Kinh Sơn được thờ từ bao giờ thì các tài liệu lưu giữ hiện nay chưa cho phép. Nhưng có thể biết được việc thờ tự này qua tư liệu bia đá còn lưu giữ tại Đền, niên hiệu "Thành Thái Nhị Niên" tức năm 1890 tạm dịch như sau: " Xem hết tự điển trong hạt, đền thiềng Kinh Sơn một trong ngôi đền thiêng vậy. Đền ở xã Vân Đôi. Nhân đất ấy có đường Sơn Đôi lập nên đền để thờ phụng, phía trước đền có Bái Sa, mé dưới có Đầm Lôi. Sông núi linh thiêng hun thành chốn ấy. Phải năm hạn hán lấy bùn ở giữa lòng Đầm bôi lên, cầu đảo ắt linh ứng liền. Các triều phong tặng thượng thượng đẳng. Các dịp lễ tạ thần đều đã cho mưa, anh linh hiển hách tai mắt người đều thấy.
          Năm Tân Dậu, niên hiệu Tự Đức 14( 1860 ) tổng đốc đại nhân, quê thôn Đồng Thái, tỉnh Hà Tĩnh Tới Đền bái yết, cáo xin đổi làm đền gạch ngói, gieo tiền ba lần, xin được việc ấy.
          Năm kỉ Dậu, Nguyên Đại doãn Bùi đại nhân, tự là sĩ tốn, quê ở xã La Giang, huyện Tứ Kì đến cầu đảo xin lấy đá tu sửa bục đá tam cấp, ngài cũng cho việc ấy. Nay đại nhân thăng giữ ở Kính Thủ mà tâm đại nhân tư tại đền Kinh Sơn, trước thần linh, vượt sự xa cách, Đại doãn Đồng đại nhân tự là... quê ở xã Kinh Dương, huyện Bình Chánh, tỉnh Quảng Bình mưu tính với mọi người của bản huyện nhân đền cũ đổi thành đền mới, vẫn ủy cho các ông Huyện Đoàn Khang, phó tổng Xuân, Chánh tổng Khoái lo liệu mọi việc sửa sang; Xuất bạc tiền, đóng đất quan sức thuê chở đá núi Kính Chủ của quý chủ về làm một Long Đình, Lư Hương, Bình Hoa, Lồng đèn, Voi, Trụ mỗi thứ một đôi. Quy mô to lớn hơn người trước làm mà thêm hơn so với xưa, chẳng phải dễ dàng vậy thay ; Như Thái Sơn không đắp thành ra chẳng cao được, mà Kinh Sơn nổi tiếng với bốn xã: Đề Xuyên, Hà Đới, Cẩm Khê, Tử Đôi... Chốn linh từ để mãi chẳng hư nát, chẳng vì lấy đó mà thêm trọng vậy, hà tất cầu nhiều mà vô dụng. Theo cổ nhân phàm có hưng công tu tạo ấy, nguyên Đại doãn, thăng giữ Kinh Thủ Bùi Đại nhân đề xướng, mà Đồng đại Doãn chủ trì. Việc ấy thành thời mà do huyện đoàn Phạm Văn Khang, phó tổng Nguyễn Văn Xuân ở xã Vân Đôi; tổng chánh xã Xuân Lai Phạm Văn Khoái quê xã Dương Nham, huyện Hiệp Sơn, tổng đoàn cùng thợ đá vậy.
          Ngày tháng 2 năm Canh Dần khởi công, ngày tháng 6 hoàn thành...
                   Soạn bia tú tài Trần Đức Thiều, xã Tử Đôi
                   Viết bia Nguyễn Huy Đản xã Tiên Đôi Nội ".
          Qua nội dung văn bia giúp ta biết được Đền đã được tu sửa qua nhiều lần.Từ năm Tự Đức 14(1861) đều được làm bằng gạch ngói. Lần trùng tu lớn nhất vào năm Canh Dần niên hiệu Thành Thái thứ hai(1890). Tổng số tiền hưng công cho cho việc tôn tạo lên đến 2005 quan và 2 sào ruộng, có người mức đóng nhiều nhất là cựu chánh tổng Phạm Văn Khoái xã Xuân Lai tiền 800 quan, ruộng 1sào 5 tthước, thứ đến là Nguyễn Văn Xuân người bản xã tiền 450 quan, 10 thước ruộng( chiếm tới 62,4% trong tổng số lượng tiền hưng công ). Điều đó cho ta thấy hai vị  trên có vị  trí rất lớn trong tổng.
          Hàng năm, làng có hai lần tế tự tại Đền vào tháng 2 và tháng 8. Trong hương ước làng năm 1932 viết; " Làng chúng tôi có một cái đền thờ tự từ trước đến giờ có hai lần tế tự vào tháng hai và tháng tám như tục lệ ở Đình cả, còn dầu nhang quanh năm thì đã có người hàng tổng , hàng huyện đến tế lễ".
          - Đền Long Bì: (Đền Bì dưới)
          Nằm ở làng Tử Đôi xã Đoàn Lập, cũng như Đền Kinh Sơn, Đền Bì là một trong năm Đền thiêng ở huyện Tiên Lãng, nằm trong hệ thống các Đền cầu đảo của huyện. Đền Long Bì thờ vị thần Bạt Hải Long Vương Đại Vương. Thần tích kể rằng: Xưa kia vào thời tiền Lê Đại Hành, ông đã dựng đồn binh giả ở trang Tử Đôi để chống giặc Tống. Sau này nhân dân dùng đồn sở ấy làm nơi thờ phụng ngài, nơi ấy chính là đền Long Bì hiện nay. Trên thiên đài trụ còn ghi:
          " Sinh tiền thử địa đồn binh sở
          Hóa hậu dư linh đảo vũ từ".
          Gần địa danh ấy thuộc thôn Tỉnh Lạc trong dân gian vẫn còn lưu giữ được một loạt các địa danh; Đường quan Ngài, đường Bút, đường Nghiên, đường Ngựa Què, Cờ Rách, Trống Thủng, Gươm Gãy, tương truyền là nơi xẩy ra chiến trường gắn với vị tướng Bạt Hải Đại Vương.
          Hàng năm vào các ngày lễ tết dân làng tuân theo sự tế lễ như ở Đình làng. Nếu gặp năm hạn hán, đền Long Bì cùng các Đền trong ngũ linh từ:
1. Long Bì - thường gọi Đền dưới (thôn Tử Đôi - xã Đoàn Lập)
2. Kinh Sơn - thường gọi Đền Trên (thôn Vân Đôi - xã Đoàn Lập)
3. Hà Đới (xã Tiên Thanh)
4. Để Xuyên (xã Đại Thắng)
5. Cẩm Khê ( Đền Gắm - xã Toàn Thắng).
          Lên trung tâm huyện là Đình Cựu Đôi tế, Nếu vẫn không mưa rước kiệu về tổ chức bơi tại Đầm Bì. Trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca
" Lụt lạt thì tháo Cống Đôi
   nhược bằng hạn hán thì bơi Đầm Bì"
          Tín ngưỡng thờ thần ở tổng Tử Đôi cũng như các làng xã truyền thống khác, là một nhu cầu quan trọng không thể thiếu ở khu vực làm nghề nông nghiệp, sản xuất phụ thuộc vào nhiều điều kiện  tự nhiên. Điều này thấy được qua hệ thống các Đền cầu mưa trong khu vực mà tổng Tử Đôi đã chiếm 2/5 loại đền này.
          - Miếu làng Tử Đôi:
          Không còn gì

          IV/  Các tôn giáo:
          A/  Phật giáo: 
          Vào khoảng thế kỷ V- VI, Chùa Đót xã Cấp Tiến trở thành trung tâm Phật giáo ở Tiên Lãng, Chùa còn có tên là Kinh lương tên Nôm là Chùa Đót tự là Chuyết Sơn - Từ đây Phật giáo đã lan rộng ảnh hưởng tới vùng đất tổng Tử Đôi và được nhân dân tiếp nhận từ khá sớm, gắn liền sự ra đời và phát triển của làng xã trong tổng " Đất Vua , Chùa làng".
          *  Các ngôi chùa ở tổng Tử Đôi:
          1. Chùa Nhân Vực:
           Chùa Công
2. Chùa Hộ Tứ: (Hộ Tứ Nội)
          Chùa Hộ Tứ có tên tự là Vân lam thuộc thôn Nội làng Hộ Tứ xã Đoàn Lập, trước năm 1945 là xã HộTứ, tổng Tử Đôi, huyện Tiên Lãng, tỉnh Kiến An , vị trí của chùa tách biệt khỏi làng Hộ Tứ, bên bờ Đông Đầm Nhân Vực rộng 100ha, trải qua nhiều lần tu tạo chùa hiện nay hoàn toàn là kiến trúc của thế kỉ XX, lần trùng tu lớn gần đây nhất vào năm dân chủ thứ 2 ( 1946 ) và năm 2007 chùa dựng thêm tượng phật Quan Âm, cuối năm 2008 làng khởi công xây cất thêm nhà Tổ).
          Kiến trúc chùa bố trí theo kiểu chữ Đinh, gồm ba gian tiền đình, gian hậu cung, tượng phật có 13 pho to nhỏ tất cả, trong đó có một tượng thành hoàng làng chuyển ra thờ riêng và một tượng Mẫu, trước chiến tranh chùa có trụ trì đến nay thì không còn.
          Hiện nay chùa còn lưu giữ hai tấm bia hậu phật. Điều đặc biệt ở hai tấm bia này là hai vị hậu phật được tạo thành tượng đang ở tư thế thiền tọa, chán bia trang trí lưỡng long chầu nhật tiết hoa rồng phượng được kéo xuống hai diềm bia mặt , mặt bia còn lại ghi nội dung bia.
          Tấm bia thứ nhất có tên Hậu phật Vân Động bia kí  được dựng vào năm Vĩnh trị tam niên tuế thứ mậu ngọ thập nguyệt nhị thập thập nhị nhật (tức năm 1678 dương lịch) đời Vua Lê Hy Tông nội dung chính ghi lại việc tín chủ Vũ Thị Nhất, hiệu Diệu Năng người bản xã cúng xuất tiền của, ruộng của nhà mình là 20 quan và một sào ruộng để hậu phật.
          Tấm bia thứ hai được tạo dựng năm chính hòa tam niên thập nhị nguyệt thập tam nhật (tức năm 1862 dương lịch) Nội dung cũng ghi lại việc tín chủ tên là Hoàng Thị Nông hiệu Diệu Lộc người bản xã làm hậu phật tại chùa Vân Lam - Tiền 20 quan, ruộng 01 Sào, cùng sự chứng kiến của 175 quan viên hương sắc và mọi người trong xã.
          Trước khi có tên là Vân Lam chùa chùa còn có tên khác là Vân Động. Chùa được xây dựng ít nhất vào năm 1678. Tấm bia đã chứng tỏ nhân dân làng Hộ Tứ ngoài nghề nông còn nghề buôn bán và làm các nghề khác, thành phần mộ phật chủ yếu là nữ giới.
* Trước năm 1813 là xã Ngạc Tứ thuộc tổng Tử Đôi đến năm 1813 đổi thành xã Hộ Tứ , năm 1938 xóm trong đổi thành thôn Nội xóm ngoại đổi thành thôn Ngoại thuộc xã Hộ Tứ - Sau 8/1945 xã Hộ Tứ tách làm hai làng Hộ Tứ Nội và Ngoại nhân dân chung chùa, đến năm 2000 làng Hộ Tứ Ngoại xây chùa mới trên đống cao nơi đó là nền đình cũ của làng.
- Chùa mới Làng Hộ Tứ Ngoại tên (Kim Niên )
3. Chùa đông Xuyên Nội:
Chùa Đông Xuyên Nội có tên chữ là Lật Sơn, trước kia thuộc thôn Nội xã Đông Xuyên nay thuộc thôn Đông Xuyên Nội Chùa được xây dựng lại trên nền đất cũ nên kiến trúc không có gì đặc biệt, Kiến trúc được bố trí theo kiểu chữ Đinh gồm hai gian hậu cung, ba gian tiền đường, trước kia chùa có trụ trì và là một trong những chùa có quy mô lớn của tổng. Trong chùa còn lưu giữ một tấm bia đá không khắc niên đại, có tên bia Hậu phật bi kí lưu truyền vạn đại. Nội dung ghi lại một thiền Sư Bắc Khâu tự là giác thụ cúng cho bản tự 100 quan trong đó mua một mẫu ruộng mất 50 quan, tất cả lưu lại tại bản tự để sau này ông trăm tuổi dân làng lấy đó làm húy kỵ, và việc gửi giỗ của các tín nhân, những người quy phật ở bản thôn bằng tiền và ruộng. Dựa vào trang trí trên bia có thể đoán định văn bia lập vào khoảng thế kỉ XIX.
4. Chùa Tiên Đôi Nội:
          Chùa Tiên Đôi Nội có tên chữ là Sùng Quang nằm ở thôn Tiên Đôi Nội xã đoàn Lập. Tương truyền chùa được xây dựng thời nhà lý nhưng lúc đó chùa quy mô còn nhỏ bé, được làm chủ yếu bằng Tranh, Tre nứa, lá. Sau chùa bị cháy và được tu sửa nhiều lần.
          " Cầu kho, Giếng Ngái, Chợ Đường Thung
                             Chùa ba mươi sáu gian"
          Trước cửa chùa còn lưu giữ tấm bia có ghi hai chữ Tín Thí, nội dung đã bị mờ. Dựa vào hoa văn, trang trí rồng mây và tên một số người trên bia trong đó có phu nhân Nguyễn Thị Ngọc Trân vợ ông nghè Nguyễn Khắc Cần, sống vào thời nhà Mạc cho phép khẳng định bia có niên đại cuối thế kỉ XVI và đầu thế kỉ XVII. Quy mô hoành tráng lưu truyền trong dân gian" Chùa ba mươi sáu gian " được xây dưng thời gian này.
          Kiến trúc chùa hiện nay không có gì đặc biệt, Chùa được xây dựng lại hoàn toàn vào cuối thế kỉ XX. Kiến trúc xây hình chữ Đinh, trong chùa có 15 pho tượng to nhỏ. vị trí chùa nằm trên khu đất cao, phía Bắc ăn xuống Đầm Vòng ( Vọng ) rộng 90 ha, phía Nam cách đầm cửa 300 m.
          5. Chùa Vân Đôi:
          Chùa Vân Đôi có tên chữ là Kinh Sơn nằm trong khuân viên di tích Đền đá kinh Sơn (Canh Sơn), phía Tây phía trước là Đầm Bì, kiến trúc chùa hoàn toàn mới được xây dựng lại hoàn thành năm 2007 lấy tên mới là chùa Vân Quang, chùa có năm gian tiền đình, ba gian hậu cung, chùa được xây dựng hoàn toàn bằng bê tông cốt thép, chùa có           pho tượng, hai pho tương hộ pháp trong chùa tư thế an tọa được đắp bằng đất, sân chùa dựng pho tượng đá cao 3,5 m, ba pho tượng này lớn nhất huyện Tiên Lãng hiện nay 
          6. Chùa Tiên Đôi Ngoại: (Xóm Chợ)
          (Làng Tiên Đôi Ngoại chia làm hai xóm, xóm trên gọi là xóm Chợ, xóm dưới gọi là Xóm Giáo, Xóm Giáo có 95% nhân dân theo đạo thiên chúa, cả hai xóm hiện nay (năm 2008) có riêng trưởng làng, chi bộ và các đoàn thể )
          7. Chùa Tỉnh Lạc:

          Được xây dựng lại năm 2005 đến  cuối năm 2008 chùa hoàn thành, làng có 1/4 số dân theo đạo thiên chúa.
          8. Chùa Tử Đôi:
          Chùa Tử Đôi có tên chữ là Long Bì, trước năm 1945 thuộc xã Tử Đôi, tổng Tử Đôi, Chùa tọa lạc trên một khu gò đống cao tách biệt với với khu dân cư, phía Tây xuống sát Đầm Bì thuận lợi cho  việc đi lại, trong kháng chiến chùa được dỡ bỏ hoàn toàn nhằm tiêu thổ kháng chiến, chùa mới hiện nay là kiến trúc hoàn toàn mới, được xây dựng năm 1999, kiến trúc chữ Đinh, gồm ba gian tiền đình và một gian hậu cung. Dựa vào tấm bia hậu ( còn 1/3 ) còn lưu giữ tại chùa có tên Hậu phật bi kí lưu truyền tân tạo Long Bì vạn đại, niên hiệu Chính Hòa cho ta khẳng định chùa đã được tạo lập năm 1680.
          9. Làng Đông Xuyên Ngoại, Làng Tiên Đôi Ngoại Xóm Giáo nhân dân trên 95% theo đạo thiên chúa, làng Tân Lập là dân góp được thành lập năm 1996 các làng này không có chùa.
          * Sau năm 1980 hầu hết Thần và Phật được thờ chung trong chùa do Đình và Miếu bị dỡ bỏ, đến nay việc thờ thần các làng đã chuyển ra thờ riêng chỉ còn hai làng Nhân Vực là chùa Công và Làng Đông Xuyên Nội chùa Lật Sơn thờ thần.
          B/ Thiên chúa giáo:
          đạo thiên chúa thâm nhập vào tổng Tử Đôi khá sớm so với các vùng khác trong thành phố Hải Phòng, ngay cuối thế kỉ XVII đến đầu thế kỉ XVIII, các giáo sĩ người Bồ Đào Nha đã tìm cách truyền đạo thiên chúa vào đây, họ theo các thuyền buôn tơ lụa thương nhân Trung Quốc từ cửa biển Thái Bình, ngược sông Cấm đổ bộ lên Bến Thung - Phố Khách thuộc Tiên Đôi Nội để từ trung tâm thương mại này tìm cách truyền giáo ra các làng khác. Trong thời gian đầu qua sự môi giới của người Hoa các sĩ truyền đạo cho hai cư dân ven bãi triền sông Thái Bình, đến nay còn một người họ gốc Đông Xuyên Ngoại, một người họ nguyễn thuộc Tiên Đôi Nội. Theo như Linh mục Phạm Hân Quynh vào năm 1689 có một giáo sĩ dòng Đa Minh (Đôminia) đến Đông Xuyên Ngoại đã có người theo đạo dòng Đa Minh.
          Cơ sở ban đầu mà các giáo sĩ phương tây đạt được là đã truyền đạo cho 110 hộ làm nghề chài lưới, đơm đó ở bến cá Đông Xuyên Ngoại, mà cho đầu thế kỉ XIX bến cá này có quy mô một mẫu, thuyền bè vẫn đến đây đậu thuê và bốn hộ ở Tiên Đôi Nội. Đây chính là cơ sở để các giáo sĩ truyền đạo ra các làng trong khu vực tổng cũng như toàn huyện. Sau một thời gian dài truyền đạo đã xuất hiện các xóm như: thôn Tiên Đôi Ngoại, Đông Xuyên Ngoại, Xuân Hòa, các xóm này được lập ra do sự tách từ các làng Tiên Đôi, Đông Xuyên và Xuân Lai, cho đến cuối thế kỉ XVIII quá trình du nhập đạo thiên chúa vào vùng Tử Đôi được xác định bằng các mốc sau:
          Năm 1782 thành lập xứ đạo Xuân Hòa.
          Năm 1783 Thành lập Xứ Đạo Đông Xuyên Ngoại.
          Vào thời gian này ở Đông Côn và Thúy Nẻo xã Toàn Thắng và Tiên Minh cũng thành lập Xứ nhà thờ ( 3/1784).
          Năm 2007 thành lập Xứ Tiên Đôi Ngoại Xóm Giáo.
          Vào đầu thế kỉ XIX, tuy có sự cản trở nhất định cho sự truyền giáo do chính sách sát đạo và cấm đạo dưới triều Nguyễn, nhưng ở vùng Tử Đôi vào nửa cuối thế kỉ XIX trử đi đạo thiên chúa bước vào giai đoạn phát triển. Tại Đông Xuyên Ngoại trường dòng thánh Giôdép được xây dựng là nơi đào tạo tu sĩ, theo ước tính do nhà dòng cung cấp thì tập đoàn này cung cấp khoảngv 3000 - 4000 giáo dân, phần lớn giáo dân làm nghề đánh bắt cá. ở Đông Xuyên Ngoại trước kia có mở trường đào tạo các thầy tu nhưng đã bỏ cách đây khoảng 25 năm và chuyển về Hải Dương trung tâm của hội truyền giáo Tây Ban Nha.
          Việc thờ cúng tổ tiên vùng công giáo:
          Thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng lâu đời trong tâm linh người việt. Đối với người theo đạo Thiên Chúa điều tiên quyết là phải từ bỏ tín ngưỡng này trong thực hành nghi lễ và đặc biệt phải phá bỏ bài vị, bát hương. Đó là sự trằn trọc day dứt của không ít tân tín đồ, tộc phả của dòng họ Đào có nhắc đến ông tổ đời thứ 3 thuộc nghành chính trưởng do theo gia đạo nên lúc lâm chung bèn di ngôn ủy việc thờ tự cho ngành thứ, đặc biệt tộc phả còn nhắc đến nguyên nhân tổ đời thứ 4 theo gia giáo nhưng sau này có sự  trở ngại " Đức hạnh công nghiệp lúc bình sinh của tổ thất truyền, duy giữa đời vì sự sa sút, bức bách quá, theo gia đạo sau này con cháu cải đổi về giáp thuần Đoài..."
          ở họ Giáo làng Tiên Đôi Ngoại, để hàng năm tưởng nhớ người đã có công đức tiền của, ruộng vườn cho vịêc sửa sang Giáo đường bản tộc trích lấy lợi tức, hoa màu của người hậu thánh mà lo việc giỗ hậu, trong hương ước làng Tiên Đôi Ngoại năm 1932 còn ghi " Lệ thôn Giáo mỗi năm có hai lần giỗ lệ tổn phí 25 đồng bạc nhưng đã có ruộng lấy tiền hoa màu mà tiêu ", hiện nay ở tháp chuông  nhà thờ họ (năm 2007 đã lên nhà Xứ)  dựng lại năm 1962 còn giữ được các tấm bia hậu thánh dựng vào đầu thế kỉ XX cho chúng ta biết được tên những người hậu thánh và tài sản của họ cũng như các tục lệ giỗ hàng năm.
          Vào ngày kỉ niệm người thân qua đời, thân nhân gặp linh mục xin lễ, Linh mục giao trên nhà thờ để mọi giáo dân cùng cầu nguyện cho linh hồn người quá cố, buổi tối thân chủ thắp nến đọc kinh cầu nguyện, bà con trong dòng họ đến đọc kinh chung.
          Tổng số giáo dân năm 1999.
          Tiên Đôi Ngoại Xóm Giáo là: 450 người
          Tỉnh Lạc                                 : 55 người
          Đông Xuyên Ngoại                :  1144 người
Một hiện tượng đáng chú ý trong sinh hoạt tôn giáo của cư dân theo đạo thiên chúa ở Đoàn lập hiện nay sự trở lại của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở một số lớn bộ phận cư dân theo đạo thiên chúa, qua khảo sát hầu hết các gia đình , để tưởng nhớ người thân đã qua đời đã đặt bát hương trên bàn thờ để cầu nguyện, cùng với đó là việc tìm lại tông tích tổ tiên của mình, như trường hợp gia đình ông Vũ Văn Ninh, Vũ Văn Hiểu, Vũ Văn Trung ở Đông Xuyên Ngoại đã quay trở lại nhận họ ở Đông Xuyên Nội từ năm 1999, hàng năm đến ngày giỗ tổ họ đều đến góp giỗ (32 xuất đinh) và dự tế tổ.
          V/ Nho Học:
          Khoa học ở tổng Tử Đôi được đẩy mạnh vào thời kì nào thì chưa thể xác định được cụ thể. Nhưng được biết chắc chắn rằng vào khoa thi năm Bính Tuất (1586) niên hiệu Đoan Thái thứ nhất đời Mạc Mậu Hợp, cụ Nguyễn Khắc Cần (1561 - ?) người xã Tiên Đôi Nội, tổng Tử Đôi, huyệnTiên Minh, nay thuộc địa bàn hai thôn Tiên Đôi Nội và Tiên Đôi Ngoại, xã Đoàn Lập đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân mới 26 tuổi, làm quan cho nhà Mạc, sau theo về nhà Lê, làm đến chức Công khoa cấp sự trung, điều đó cho ta thấy giáo dục nho học ở tổng Tử Đôi phải có từ trước thế kỉ  XVI.
          Ttrong bia Tư văn bi kí  của hàng tổng, hiện nay được đặt tại Đình làng Tiên Đôi Ngoại (Cao 1m, rộng 0,45m, đầy 0,25m, 04 mặt, có mái bia nay bia bị mờ nhiều khó đọc) : Bia được lập vào năm Hoàng triều Gia Long thập bát niên tuế tại kỷ Mão mạnh hạ nguyệt cốc nhật, tức năm 1819, nói đến việc các đền thờ thánh sư như sau "... Từ tiền triều bản tổng vốn (đã) có đền thờ thánh sư ở các xã Đông Xuyên, Tử Đôi, gặp cơn binh lửa đã bị đổ nát ... "
          Nho học ở tổng Tử Đôi được phát triển từ thế kỉ XIX, hội tư văn được thành lập ở các làng, thành phần của hội bao gồm những người có học thức , đỗ đạt trong làng do vậy hội có vai trò rất to lớn, nó gánh vác cho làng xã một loại công việc đặc biệt. Vốn những người có văn học nhất trong làng, trong xã nên làng xã giao cho hội nhiệm vụ thảo các bài văn tế ở đình khi làng vào đám, ngoài ra hội phải lo việc tế lễ tại văn chỉ, đền thờ thánh sư của làng và việc văn học trong xã.
          Đối với hàng tổng ở Tử Đôi vào thế kỉ XIX sự tế tự những người đỗ đạt trong tổng, để khuyến khích việc  học hành trong dân được đánh dấu bằng việc xây dựng "Văn từ", Năm Gia Long thứ 18 (1819). Bia : Lưu truyền vạn đại, niên hiệu Hoàng triều Gia Long tuế thứ thập bát niên ghi rõ việc xây dựng này. Dưới đây là một số đoạn còn khảo được, tạm dịch như sau: Tổng Tử Đôi, huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, Xứ Hải Dương, nước Đại Việt cùng các vị trên dưới trong làng tư văn.
          )(... Nay nhân nền cũ )(... Đền thờ đã xây thành, tòng tự, phối tự ruộng(cúng) tế cung tiến, đều có văn minh để rõ cái phí tổn )(... .
          Xã Đông Xuyên, tòng tự, thủ trưởng tư văn, hiệu sinh, xã trưởng Vũ Văn Đạt, ruộng tế tại bản tổng địa phận, Xứ cửa Vườn 1 sào.
          Xã Xuân Lai, tòng tự, thủ trưởng tư văn, xã trưởng, huyện )(... Khâm Mông... Chu Thị, Cai tổng Đức Nam Phạm Huy Diễn ruộng tế tại bản tổng địa phận, Xứ Vọng Đầm là 1 sào 7 thước.
          Xã Đông Xuyên, tòng tự, thủ trưởng tư văn, hiệu sinh, xã trưởng )(... giáo ; phối thờ thần, Vũ Xuân Vực, hiệu Chính Thành ; ruộng tế tại bản tổng địa phận Xứ Đường Giới 1 sào 3 thước..."
          Văn từ được tạo lập, vậy thì việc tế tự hàng năm sẽ do cá nhân hay một tổ chức nào đứng ra lo việc ấy ? Theo các nguồn tư liệu, đặc biệt qua nội dung tấm bia Tư Văn Bi Kí  niên hiệu Gia Long thứ 18(1819) đã nói ở trên ta có thể biết được phần nào về điều đó.
          " Tư Văn tổng Tử Đôi, huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, Trấn Hải Dương, nước Đại Việt )(... "
          Toàn bộ ruộng thờ cúng ở xứ Đông Khố, xã Tiên Đôi, cả thảy là 3 sào thôn nội y cúng dâng )(...
          Phàm
          VI/  Kinh tế thương nghiệp:
          Tổng Tử Đôi đã từng hình thành một trung tâm buôn bán sầm uất ở thế kỉ XVI - VXII đó là khu vực Đường Thung - Phố Khách thuộc làng Tiên Đôi Nội; Rằng khu đất này đã từng hình thành những dãy phố, san sát cửa nhà, cửa hàng, cửa hiệu của thương nhân Trung Hoa, họ buôn bán trao đổi các mặt hàng vải vóc gốm sứ ...
          Qua khảo sát khu vực  Chợ Đường Thung - Phố Khách nay là dải đất cao 1,5m - 2m, dài khoảng 500m, rộng 100m, phía Đông Bắc giáp với Đầm vòng( Vọng ), phía Tây Nam giáp Đầm Cửa (Đầm cửa và Đầm Bì là một Đầm nhưng tên gọi khác nhau tùy địa bàn đầm chạy qua) và đổ ra sông Thái Bình qua Cống Cơm thuộc Đông Xuyên Ngoại, phía Tây Bắc là Đông Xuyên Nội, trên dải đất này tọa lạc hai di tích lịch sử văn hóa ( Chùa Sùng Quang và Miếu Tiên Đôi Nội thờ thành hoàng làng Trí Minh - di tích được tổ chức công nhận di tích cấp thành phố 3/2007 ). Có thể giả thiết rằng người nước ngoài từ cửa biển Thái Bình ngược sông rồi theo đoạn sông chết( trước kia là sông Thái Bình), đến Buôn bán ở Đường Thung - Phố Khách và các chợ bến, phố dọc theo khúc sông ấy cũng tàn lụi theo.
          Một biểu hiện khác của hoạt động buôn bán ở vùng tổng Tử Đôi là các chợ làng. Chợ Đầm:  Nằm ở giáp danh Giửa tổng Tử Đôi và tổng Kinh Lương nay là xã Cấp Tiến và xã Cấp Tiến. Chợ được xây dựng bên bãi bồi ven sông Thái Bình cũ thuộc khu vực các Đầm; Ma lê ( Đầm Quán Chùa ), Đầm Quán Giếng, theo tư liệu thì chợ dược hình thành từ thế kỉ XVIII với quy mô ngày càng được mở rộng, chợ được họp thường xuyên cả ngày. ở vị trí thuận lợi chợ Đầm là trung tâm trao đổi hàng hóa của cả một vùng. Ngoài ra tổng Tử Đôi còn các chợ khác như chợ bỏ( Sau đổi là chợ Mới Bì )thuộc làng Tử Đôi, chợ họp theo phiên, cứ 5 ngày hai phiên, Chợ Bồ Đề ở Đông Xuyên Ngoại...
       
Lễ hội bơi thuyền Cầu Đảo:
Miêu tả lễ hội cầu đảo ở xã đoàn lập

          I/ Qui trình tổ chức lễ hội:
          Mỗi khi trời hạn hán, nhân dân tổ chức Cầu Đảo, cầu cho mưa thuận gió hoà đồng đất tốt tươi.
          Lễ tế được tổ chức 03 ngày liên tục, sáng tế ở Đền Kinh Sơn ( Đền Bì trên - Thôn Vân Đôi ), buổi trưa thanh bai đồ tế lễ, Chiều tế tiếp ở Đền Long Bì ( Đền Bì dưới - Thôn Tử Đôi ), tối ai về nhà lấy. Việc tế thần được Tránh tổng, lý trưởng, các kì hào trong tổng thực hiện dưới sự trù trì và trực tiếp tế của tránh tổng, lý trưởng. Trang trải cho việc tế do quĩ tổng và gia đinh trong tổng lễ tuỳ tâm,
          Sau 03 ngày tế liên tục mà trời không mưa, Ban tổ chức tiếp tục tế lần thứ 2, thủ tục tế và thời gian tế như lần 1. Nếu tế lần 2 trời vẫn không mưa thì huyện
có công văn xuống 05 Đền:
1
Đền Bì trên (Đền Canh Sơn)
Xã Đoàn Lập ( Xã Vân Đôi cũ )

2
Đền Bì dưới (Đền Long Bì)
Xã Đoàn Lập ( Xã Tử  Đôi cũ )

3
Đền Gắm
Xã Toàn Thắng

4
Đền Hà
Xã TiênThanh

5
Đền Để Xuyên
Xã Đại Thắng
          Cả 5 Đền cùng rước thần về huyện tập chung tế tại Đình Cựu Đôi ( Phải đợi đủ 05 Đền tập chung ở sân Đình rồi cùng nhau vào trong Đình tế ).
          Đội tế ( Đoàn người rước thần từ các Đền về Đình Cựu Đôi ): Bát âm - Thanh La - Kiệu rước thần - Tránh tổng - Lý trưởng - Các gia đinh trong làng và trong cả tổng ( Trong lễ rước thần các gia đinh không bị bắt buộc phải tham gia như khi tổ chức hội - Bơi thuyền ).
          Phong cách các đội rước thần của các Đền cũng khác nhau: Đền Hà Đới và Để Xuyên rước đều đều bình thường. Riêng Đền Gắm ( dân gian gọi là Bay ), người rước kiệu mặc quần đùi hoặc đóng khố chạy rất nhanh dọc theo Đê sông Văn úc qua cửa Đền Bì trên ( Đền Canh Sơn - Vân Đôi ). Đền Bì trên và Đền dưới ( Đền Bì ) ở Đoàn Lập thì đi rất chậm, chậm đến mức "nóng hết ruột gan" { Khi các Đền đã tề tựu đông đủ tại sân Đình Cựu Đôi nhưng thiếu Đền Bì thì các Đền đến trước nhất định không chịu vào trong đình tế lễ - Không rõ nguyên nhân vì sao }.
          Sau khi gia đinh bản khu rước thần lên đình huyện rồi thì trở về và 03 ngày sau lên đón. Những người ở lại là ông phụ trách tổng như ông Tú Liên  thuộc xã Bạch Đằng, ông Bá Lạc ở Đoàn Lập ( Tổng Tử Đôi xưa là xã Đoàn Lập ngày nay có thêm làng Xuân Quang, Xuân Hoà và Xuân Lai thuộc xã Bạch Đằng ngày nay ), cùng các lý trưởng trong tổng ở lại tế thần.
          Tại Đình Cựu Đôi 05 Đền tế liên tục 3 ngày, nếu trời vẫn chưa có mưa thì huyện đánh công văn về tổng Tử Đôi để tổng Tử Đôi tổ chức bơi thuyền.
          Nhận được công văn Lý trưởng, Tránh tổng cùng các kì hào ở các thôn trong tổng họp lại: Các thôn Nhân vực, Hộ Tứ Nội, Hộ Tứ Ngoại, Xuân Quang, Xuân Hoà, Xuân Lai, Tiên Đôi Nội, Tiên Đôi Ngoại, Đông Xuyên Nội, Tỉnh Lạc, Vân Đôi, Tử Đôi.
          Hội Bơi thuyền trong lễ Cầu Đảo có thôn Đông Xuyên Ngoại không được tham gia vì thôn theo đạo thiên chúa và thôn Tử Đôi, Vân Đôi là hai thôn sở tại làm công tác tổ chức, các thôn còn lại bắt buộc phải tham gia bơi thuyền.
          Địa điểm bơi thuyền là Đầm, Đầm này ăn thông ra Cống Cơm ( thôn Đông Xuyên Ngoại ) nối với sông Văn úc - Đầm có tên khác nhau tuỳ theo địa bàn mà Đầm chạy qua  như Đầm Bì ở cửa làng Vân Đôi và cửa làng Tử Đôi, Đầm Cửa ở cửa làng Đông Xuyên Nội.
          Các đội bơi chỉ có nam giới tham gia, điểm xuất phát là cửa Đền Long Bì ( Đền Bì dưới ) và đến kênh XIPHONG đầu làng Nhân Vực quay lại kết thúc một vòng khép kín, cùng một lúc cả 9 làng ( 9 thuyền ) cùng xuất phát, như vậy kết thúc một ngày bơi, hội tổ chức 3 ngày liên tục. Thường thì mỗi khi hạn hán dân làng lại tổ chức Cầu Đảo ( theo dân gian thì lần nào Cầu Đảo cũng có mưa ), có thể thời gian tổ chức lễ hội kéo dài hàng tháng.

2 nhận xét:

  1. Cảm ơn bài viết công phu của bác :)

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn a, đã cũng cấp thêm hiểu biết về văn hóa đời sống ,tôn giáo tín ngưỡng địa phương mình ! Bài viết rất chi tiết , hi vọng a có thể bổ sung hình ảnh cho từng nội dung thêm phong phú hơn ...

    Trả lờiXóa